Đây là mục tiêu, nhiệm vụ được huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) xác định và tập trung thực hiện. Điều đó không chỉ góp phần giữ vững sự ổn định, phát triển cho khu vực giáp ranh nói riêng, mà còn góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương nói chung.
Giữ vững ổn định vùng giáp ranh là yếu tố góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đam Rông và huyện Đắk Glong. Ảnh: PT
Huyện Đam Rông và huyện Đắk Glong có diện tích rừng giáp ranh lớn. Đây là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời cũng là khu vực được bà con dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do đến sinh sống từ nhiều năm qua. Các đối tượng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, tội phạm buôn bán ma tuý… cũng lợi dụng những đặc điểm này để hoạt động ở khu vực giáp ranh hai huyện. Bởi vậy, tình hình an ninh trật tự tại khu vực giáp ranh này luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Trước những khó khăn trên, đầu năm 2023, hai huyện Đam Rông và Đắk Glong đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản… nhằm phối hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc ở vùng giáp ranh giữa hai địa phương. Việc ký kết nhằm tăng cường lực lượng đủ mạnh để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, có cơ chế giám sát lẫn nhau, tiến tới duy trì thường xuyên các hoạt động chốt chặn, tuần tra, kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm luật tại khu vực giáp ranh của các huyện.
Hoạt động phối hợp được 2 địa phương thực hiện dựa trên nguyên tắc: Thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động từ cấp huyện đến cấp xã; các cơ quan liên quan và đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phối hợp quản lý, bảo vệ ở khu vực giáp ranh nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật.
Các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của huyện Đam Rông tuần tra rừng ở khu vực giáp ranh
Theo đánh giá của UBND huyện Đam Rông, sau hơn một năm thực quy chế phối hợp, các cấp, ngành, cơ quan liên quan đã triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng, ban quản lý rừng và các xã giáp ranh của hai huyện đã chủ động tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Cư trú,… đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hạt Kiểm lâm, Công an, Quân sự và UBND các xã giáp ranh của 2 huyện đã thực hiện 15 đợt tuần tra, kiểm tra truy quét tại các khu vực giáp ranh. Kết quả đã phát hiện, lập hồ sơ 1 vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại khoảnh 8, Tiểu khu 180 với diện tích thiệt hại 330 m2, giải tỏa được trên 30 ha đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép. Đồng thời, các đơn vị, địa phương của hai huyện cũng thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh; do vậy đã hạn chế các trường hợp dân cư giữa hai địa phương vùng giáp ranh qua lại lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, phá rừng trái pháp luật. Điều này góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở mỗi địa phương.
Song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhiệm vụ quản lý tài nguyên, khoáng sản cũng đã được hai huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, nhất là ở các khu vực có khoáng sản, khu vực sông, suối giáp ranh. Theo đó, trong thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng, các xã khu vực giáp ranh đã chủ động tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Tây Sơn thuộc xã Phi Liêng, Liêng S’rônh (huyện Đam Rông) và xã Đắk Som (huyện Đắk Glong). Việc phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc đã hạn chế rất lớn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này.
Các đơn vị chức năng, UBND các xã vùng giáp ranh hai huyện Đam Rông và Đắk Glong cũng tăng cường công tác quản lý tình hình dân di cư tự do thông qua việc thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra tạm trú, tạm vắng của bà con. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quản lý sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo sử dụng vào mục đích săn bắt trái phép động vật rừng trên địa bàn giáp ranh và chủ động tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các quy định về cư trú, tạm trú tại địa phương và tự giác giao nộp vũ khí quân dụng. Nhờ vậy, đến nay, tình trạng dân di cư tự do ở khu vực giáp ranh của hai huyện cơ bản được khắc phục, không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn các xã vùng giáp ranh hai huyện.
Nhìn lại kết quả quá trình phối hợp giữa hai huyện, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song lãnh đạo hai huyện Đam Rông và Đắk Glong cũng thấy rõ những khó khăn đang đặt ra. Để tiếp tục giữ vững ổn định và thúc đẩy sự phát triển ở khu vực này, lãnh đạo hai huyện xác định: tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp. Hai địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện thường xuyên và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục Nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số khu vực giáp ranh chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với quản lý chặt chẽ hộ khẩu, nhân khẩu, vũ khí, vật liệu nổ,… và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
https://baolamdong.vn/