.
Đặc sắc Lễ hội cầu mưa của dân tộc K’Ho In trang
14/03/2024 01:51 CH

Tháng 3, khi mùa khô lên đến đỉnh điểm, cái nắng như muốn rút cạn kiệt mọi nguồn nước, thiêu cháy vạn vật, cây cỏ héo úa, mặt đất lộ ra những cục đá lổn ngổn, những dãy núi xa phơi mình dưới nắng nóng, đồng bào K’Ho vùng Đầm Ròn xưa (3 xã Đạ Mrông, Đạ Tông, Đạ Long thuộc huyện Đam Rông ngày nay) lại tổ chức Lễ hội cầu mưa.

Già làng cầu xin các vị thần cho mưa xuống tưới xanh vạn vật, đời sống no đủ
Già làng cầu xin các vị thần cho mưa xuống tưới xanh vạn vật, đời sống no đủ

Từ mấy ngày trước, những cây nêu anh, nêu em đã được dựng lên ở đầu làng; dưới chân cây nêu là một chòi mô phỏng kho lúa, cối chày giã gạo, cùng nhiều gùi để các loại hạt giống như đậu, lúa, bắp, bầu, khoai, sắn… tượng trưng cho sự no đủ. Dân làng cùng nhau chuẩn bị các lễ vật, bày biện, sắp đặt với lòng thành kính cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hòa, cho mưa xuống để mặt đất không bị khô hạn, có nước cho vụ mùa tới bội thu.

Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, Lễ hội cầu mưa (Nhô Dơng) của người K’Ho nhánh Cil - Đam Rông là phong tục tập quán có từ lâu đời của đồng bào K’Ho ở vùng Đầm Ròn - nơi lòng chảo bốn bề núi non, khí hậu khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng. Trong không gian linh thiêng, lễ vật là: xôi, gà, trứng, cá… được bày trang trọng, già làng thành kính xin thần cho dân làng tổ chức lễ hội: “Lời nói muốn được đúng, già trẻ được nhiều vui vẻ, hạnh phúc, mọi người muốn được yêu thương nhau, đoàn kết gắn bó, không chia rẽ, nhiều như cá dưới nước, đông như kiến bu cơm; muốn trời sáng thần soi. Hỡi Yàng. Xin lạy ba Yàng, xin cho buôn làng được mở hội cầu mưa, được hạ chiêng xuống để đánh lên trong ngày hội”.

Sau ba hồi tù và, dân làng tụ hội đông đủ. Già làng cất tiếng gọi: “Ơ Yàng, các Yàng mây, Yàng mưa, Yàng sấm, Yàng chớp, Yàng sét. Này đây lễ vật dâng cho các Yàng. Yàng dựng nêu anh, Yàng dựng nêu em, đứng chứng kiến khắp vùng này nhé. Hỡi Yàng núi, Yàng sông, Yàng trời, Yàng đất. Xin lạy các Yàng cho mưa, cho gió. Xin cho mưa thuận, gió hòa, có lúa, có thóc, có bắp đầy nhà. Muốn có trăm gùi bắp, muốn có ngàn gùi lúa, ăn được chắc, bán được giá, con cái được ấm no. Ở nơi đây xin cho được giàu có, xin cho mọi người được khỏe mạnh, xin cho được bình an. Xin được sống đến già, đến bạc tóc, rụng răng. Sinh con muốn được khỏe mạnh, nuôi con muốn được lớn khôn. Hỡi Yàng cồng, Yàng chiêng! Đánh được nghe tiếng vang, thổi được nghe tiếng nhạc, đánh một buôn cả bảy buôn nghe, đánh bên này nghe được bên kia. Xin cho hạ chiêng xuống”.

Trai, gái trong buôn chuẩn bị lễ hội
Trai, gái trong buôn chuẩn bị lễ hội

Lễ hiến sinh (một con gà, một con dê) đã diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống với lễ vật được dày công chuẩn bị, sắp đặt bằng tất cả lòng thành kính dâng lên các vị thần. Già làng lấy tiết gà bôi lên cây nêu, mặt chiêng và các lễ vật cùng những lời khẩn cầu xin Yàng được linh ứng “Này đây dê, gà về với các Yàng. Về với Yàng mưa, xin Yàng cho con người nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, cho cây lúa trĩu hạt vụ mùa sắp tới. Cầu mong thần mưa cho mưa xuống tưới tắm núi, đồi, sông, suối, cho cây trồng tốt tươi, cho con người bớt nóng, cho mặt trời dịu lại, cho cây cỏ xanh tươi”.

Sau lễ hiến sinh, già làng đã thực hiện nghi thức tắm dê. Già làng đã dùng bầu múc nước tưới lên mình chú dê được buộc sẵn vào cây nêu. Theo kinh nghiệm dân gian và quan niệm của người K’Ho xưa kia ở vùng đất này thì khi trời đang nắng nóng, màu xanh nhòa đi, suối cạn, cỏ cây khô héo, mặt đất chỉ còn trơ những hòn đá; chỉ có suối nước nóng thì ngày đêm vẫn rỉ rả, cái đói bao trùm mà con dê tìm nước tắm thì vài ba ngày sau trời sẽ đổ mưa lớn, kéo dài.

Theo các già làng ở vùng đất này cho biết, trong quan niệm của người K’Ho Cil (được thể hiện trong nhiều câu chuyện truyền miệng dân gian được các cụ kể lại) việc tắm dê và lấy trứng của con chim đen là hai việc kiêng kỵ đến kinh thiên động địa, động chạm đến trời đất, khiến thần tức giận gieo sấm chớp, gieo mưa xuống. Ai đó lỡ mang con dê đi tắm thì “phạm” đến Yàng, Yàng nổi giận mang mưa, gió, sấm chớp đến suốt những ngày sau đó. Trong lễ hội, việc tắm dê sẽ làm cho thần linh “nổi giận” mà đổ nước xuống để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn làng được no đủ...

Dàn chiêng được hạ xuống, cả buôn làng cùng vào hội rộn rã với những bài chiêng đón khách, chào mừng quý khách, những vòng xoang không dứt hòa điệu cùng tiếng khèn bầu trong nhịp điệu nồng nhiệt. Những chóe rượu cần được mở ra, già làng rót rượu dâng lên các vị thần, sau đó mời các vị khách quý. Cả buôn làng cùng ăn, cùng uống, cùng hát lên những làn điệu dân ca, thổi lên những điệu nhạc, đánh lên tiếng chiêng rộn ràng, cùng nhau chơi những trò chơi cộng đồng. Những nét đẹp văn hóa được phô diễn, nghệ thuật diễn xướng dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn hóa ẩm thực cũng được hiện ra đầy đủ. Cuộc vui kéo dài không dứt, thâu đêm đến sáng.

Với sự phát triển không ngừng, đường nhựa đã về đến tận buôn làng xa xôi, hồ chứa nước, hệ thống mương thủy lợi được đầu tư kiên cố hóa chủ động tưới tiêu cho mùa màng, đồng bào đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống đổi thay. Hình thái kinh tế xã hội thay đổi, phương thức sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên gắn với những tập tục xưa, những lễ hội gắn với mùa màng vòng đời cây lúa của đồng bào K’Ho cũng mất đi. Việc tổ chức phục dựng, tái hiện lễ hội cầu mưa của người K’Ho nhánh Cil tại xã Đạ Long, nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại; bởi qua lễ hội, những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa, nghệ thuật dân gian cũng được hiện ra đầy đủ nhất. Qua đó, tạo môi trường tốt nhất để gìn giữ, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi dân gian của cộng đồng dân tộc K’Ho.

Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh nhấn mạnh: Lễ hội cầu mưa của đồng bào K’Ho - Đam Rông là lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các dân tộc thiểu số từ lâu đời trên vùng đất có khí hậu khắc nhiệt này. Ngành văn hóa đã phục dựng Lễ hội cầu mưa nhằm lưu giữ một lễ hội dân gian có giá trị truyền thống tốt đẹp nhằm giáo dục truyền thống văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, củng cố tinh thần đoàn kết các dân tộc. Thông qua việc phục dựng, tái hiện lễ hội các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, các yếu tố văn hóa mới tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc. Không chỉ làm tư liệu lưu trữ mang tính chất khoa học, mà hoạt động phục dựng cũng góp phần thúc đẩy Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.

https://baolamdong.vn/

 
Lượt xem: 33
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001631898
  •  Đang online: 31
  •  Trong tuần: 4.863
  •  Trong tháng: 104.542
  •  Trong năm: 270.183