.
Đam Rông: Chủ động, quyết liệt trong phòng chống cháy rừng In trang
15/03/2024 07:52 SA

(LĐ online) - Trong thời điểm cao điểm mùa khô như hiện nay, huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk tuần tra các khu vực có nguy cơ cháy cao
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk tuần tra các khu vực có nguy cơ cháy cao

Đến cuối năm 2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Đam Rông là hơn 69 ngàn ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là trên 55 ngàn ha gồm: Trên 49 ngàn ha rừng tự nhiên và hơn 6 ngàn ha rừng trồng. Độ che phủ rừng 63,61%.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, bảo vệ và PCCCR nên năm 2023 không xảy ra cháy rừng lớn, chỉ xảy ra một số điểm cháy nhỏ thảm thực vật dưới tán rừng thông lớn song đã được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại tài nguyên rừng. Đó là một trong những cơ sở để huyện Đam Rông tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống cháy rừng năm 2024.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, trên địa bàn huyện có 3 khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng gồm:

* Khu vực Đạ K’Nàng - Phi Liêng, diện tích rừng dễ cháy khoảng 4.000 ha

* Khu vực Liêng S’rônh - Rô Men - Đạ R’sal, diện tích rừng dễ cháy khoảng 6.700 ha

* Khu vực Đạ M’rông - Đạ Tông - Đạ Long, diện tích rừng dễ cháy khoảng 6.300 ha.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, Hạt kiểm Lâm đã xây dựng phương án PCCCR phù hợp với đặc điểm rừng và tình hình thời tiết năm 2024. Đồng thời, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các địa phương để kịp thời ứng phó khi cháy rừng xảy ra.

Ngay từ đầu mùa khô, kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng và ban lâm nghiệp các xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thống kê nương rẫy trong rừng và ven rừng, yêu cầu các chủ hộ có nương rẫy ký cam kết bảo vệ và phòng chống cháy rừng, trong trường hợp đốt dọn nương rẫy phải báo cáo với đơn vị chủ rừng để được hướng dẫn, cho phép thời gian và chịu sự kiểm tra của đơn vị chủ rừng về an toàn phòng cháy.

Hạt kiểm Lâm cũng đã tham mưu cho UBND huyện để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng trong Nhân dân.

Các lực lượng phối hợp tuần tra, trực 24/24 giờ tại khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng
Các lực lượng phối hợp tuần tra, trực 24/24 giờ tại khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng

Ngay từ đầu năm 2024, huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa công tác PCCCR. Đây được xem là giải pháp nòng cốt, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ cháy rừng.

Bởi Đam Rông là địa bàn có khoảng 65% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, nơi đây còn có một lượng lớn bà con các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào sinh sống ở trong các tiểu khu ở khu vực rừng phòng hộ.

Tình trạng đốt nương làm rẫy gần rừng, trong rừng và ven rừng gây cháy lan lên rừng tự nhiên, rừng trồng của người dân, được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng trên địa bàn. Ngoài ra, tình trạng sử dụng lửa trong rừng không kiểm soát như đốt ong lấy mật, nấu nướng trong rừng, tàn thuốc… trong thời điểm nắng nóng kéo dài, thời tiết hanh khô kết hợp với không khí nóng sẽ có thể tạo ra những trận cháy rừng lớn.

Vì vậy, công tác tuyên truyền trong Nhân dân được huyện Đam Rông đẩy mạnh thực hiện. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép thông qua các cuộc họp từ tổ đến xóm, thôn, một số khu vực, cán bộ tuyên truyền phải vào trong nương rẫy để phổ biến việc sử dụng nguồn lửa trong cuộc sống sinh hoạt đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống cháy rừng.

Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân là giải pháp nòng cốt được huyện Đam Rông triển khai nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ cháy rừng
Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân là giải pháp nòng cốt được huyện Đam Rông triển khai nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ cháy rừng

Hiện, diện tích rừng của huyện Đam Rông được giao cho hai ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk và Phi Liêng quản lý. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của diện tích rừng đang quản lý, các ban quản lý rừng phòng hộ trên cũng đã xây dựng phương án PCCCR đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

Cụ thể, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk với tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý là hơn 50.816; trong đó, đất rừng phòng hộ hơn 21.914 ha và đất rừng sản xuất hơn 28.902 ha.

Toàn bộ lâm phần đơn vị quản lý nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Đam Rông gồm: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông, Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ R’sal. Diện tích rừng này giáp ranh với huyện Lạc Dương và một phần giáp với các tỉnh Đắk Lắk, Đắc Nông. Diện tích quản lý rừng của đơn vị này trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, sông suối hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn gây ra nhiều hạn chế trong công tác PCCCR.

Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk còn triển khai các biện pháp PCCCR khác như: Làm giảm vật liệu cháy bằng những phương pháp phù hợp đối với rừng trồng giai đoạn II, rừng trồng lớn và rừng tự nhiên; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, lực lượng sẵng sàn chữa cháy khi có cháy xảy ra.

Ban cũng đã thành lập ban chỉ đạo PCCCR để kịp thời ứng phó diễn biến hàng ngày, nhất là khi có cháy lớn xảy ra và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ khi có cháy.

Ông Đặng Đình Túc - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk cho biết, đơn vị đã xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn để tiến hành huy động lực lượng của cđơn vị và tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng tổ chức đốt trước có điều khiển trong thời điểm cho phép theo qui trình kỹ thuật đã ban hành nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy rừng; xây dựng và duy trì các công trình phòng cháy chữa cháy rừng như lán canh, chòi canh…; đồng thời, trang bị phương tiện và thiết bị phục vụ PCCCR như xe cộ, can đựng nước, dao phát…

Đơn vị cũng đã xây dựng các tình huống cháy rừng giả định ở các khu vực có nguy cơ cao với tình hình cháy phức tạp nhất để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Còn tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, đơn vị được giao quản lý tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 11.902 ha, phân bố trên địa bàn 2 xã Phi Liêng, Đạ K'nàng và 1 phần Tiểu khu 251, 236 (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà).

Ngoài thành lập Ban Chỉ đạo PCCCR để xử lý kịp thời diễn biến hàng ngày, điều động lực lượng tại chỗ, huy động lực lượng hỗ trợ cho các khu vực khi có cháy lớn xảy ra, đơn vị này đã tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy cao.

Bên cạnh xây dựng lực lượng tại chỗ là các hộ dân tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, Ban cũng tăng cường các giải pháp phối hợp với lực lượng quân đội Kho K899, Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng, Ban CHQS huyện, Công an huyện để kịp thời ứng phó với các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.

Hiện các phương án phòng, chống cháy rừng đang được huyện Đam Rông chủ động, quyết liệt triển khai để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của Nhân dân.

https://baolamdong.vn/

Lượt xem: 33
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001632145
  •  Đang online: 33
  •  Trong tuần: 5.110
  •  Trong tháng: 104.789
  •  Trong năm: 270.430