Triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về “Ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường”, tỉnh Lâm Đồng đã tích cực vào cuộc, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đến năm 2025 địa phương cơ bản không còn tình trạng di cư tự do (DCTD) và hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã DCTD.
Khu vực người dân DCTD Đạ M’Pô (xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông) với 200 hộ/946 khẩu được bố trí sinh sống ổn định
Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, địa phương có số lượng người DCTD lớn nhất trên địa bàn tỉnh, tính đến hết năm 2023, tổng số hộ dân DCTD trên địa bàn huyện chưa ổn định cuộc sống là 145 hộ/724 khẩu. Các hộ nêu trên được xác định di cư tới địa phương trước khi thành lập huyện và đã sinh sống ổn định. Trong đó, số hộ DCTD chủ yếu là tại Tiểu khu 181, xã Liêng S’rônh với 120 hộ/617 khẩu trên diện tích khoảng 202,4 ha. Đây là đất lâm nghiệp đã được huyện đề xuất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng và chưa được bố trí định canh, định cư ổn định cuộc sống đã gây áp lực cho địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.
Để góp phần tạo điều kiện cho các hộ sớm ổn định cuộc sống, thời gian qua, huyện Đam Rông đã chỉ đạo các phòng, ban, nhất là UBND xã Liêng S’rônh tập trung nguồn lực để hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội cho các hộ dân DCTD chưa được đưa vào các dự án bố trí dân cư trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện có 145 hộ/724 khẩu DCTD đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ 100%); cấp hộ khẩu cho các hộ đảm bảo điều kiện (19 hộ/30 khẩu); cấp giấy khai sinh, hỗ trợ tiền điện, tiền trợ cấp hộ nghèo...
Với nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn huyện đang triển khai 2 dự án đều tại xã Liêng S’rônh, gồm: Dự án Sắp xếp, ổn định dân DCTD thôn Đạ M'Pô có tổng mức đầu tư trên 84 tỷ đồng với quy mô 330,18 ha. Sau khi dự án hoàn thành sẽ sắp xếp ổn định cho 200 hộ/946 khẩu. Theo báo cáo, dự án đã được bố trí được gần 68 tỷ đồng và nguồn vốn còn thiếu, cần được bố trí trên 16 tỷ đồng và đã thực hiện được 75% tổng khối lượng công việc.
Còn tại Dự án Sắp xếp dân DCTD khu vực Tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn có tổng mức đầu tư trên 149 tỷ đồng với mục tiêu sắp xếp, ổn định tại chỗ cho 192 hộ dân. Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn bố trí cho dự án là mới trên 16 tỷ đồng, hiện nguồn vốn ngân sách Trung ương còn thiếu trên 133 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Châu- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh năm 2023 các địa phương đã bố trí ổn định cho 429 hộ/1.944 khẩu vào các điểm dân cư theo từng dự án. Hiện số hộ dân DCTD chưa được bố trí ổn định trên địa bàn tỉnh là 145 hộ/724 khẩu tại Tiểu khu 181, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông. Bên cạnh đó, trong năm 2023 và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn tỉnh không phát sinh dân DCTD từ các huyện, tỉnh khác đến địa phương. Về dân DCTD đi khỏi địa phương, dịp Tết Nguyên đán 2024, trên địa bàn chỉ ghi nhận 3 hộ/18 khẩu người dân tộc H’Mông tại Tiểu khu 179, cũng tại xã Liêng S’rônh.
Trong năm 2023, địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch bố trí ổn định dân cư cho 446 hộ/2.009 khẩu, trong đó ổn định tại chỗ 429 hộ/1.944 khẩu dân DCTD, xen ghép 17 hộ/65 khẩu dân cư vùng thiên tai. Các chủ đầu tư dự án đã xây dựng 13,455 km đường giao thông; 1 công trình thủy lợi; 13,948 km đường dây trung hạ thế; 8 trạm biến áp; 2 trường học; 1 trạm y tế; 2 nhà văn hóa, hoàn thành 100% khối lượng theo kế hoạch.
Liên quan tới 2 dự án ổn định dân DCTD đang triển khai, ngày 1/3/2024, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí thực hiện 2 dự án tại Đam Rông với kính phí gần 194 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, các chương trình còn chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Một số điểm tái định cư, người dân đã đến sinh sống nhưng còn thiếu công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt… nên đời sống còn nhiều khó khăn, chưa thực sự ổn định bền vững. Một số dự án thực hiện kéo dài hoặc chưa đầu tư thực hiện hết các hạng mục công trình như đã phê duyệt, vì vậy chưa phát huy tối đa hiệu quả.
Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, các sở, ngành, địa phương liên quan phải quyết tâm thực hiện, phấn đấu các mục tiêu quan trọng, đó là: Đến năm 2025, địa phương cơ bản không còn tình trạng dân DCTD và hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã DCTD vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ tịch cho các hộ dân DCTD đủ điều kiện theo quy định; hoàn thiện phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân DCTD.
https://baolamdong.vn/