.
Đam Rông: Những khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia In trang
20/03/2024 10:21 SA

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã đem lại nhiều thay đổi lớn trên địa bàn huyện Đam Rông. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn cần tìm hướng tháo gỡ.

Xã Đạ Tông được trao bằng công nhận xã NTM vào ngày 22/2/2024. Ảnh: Ndong Brum
Xã Đạ Tông được trao bằng công nhận xã NTM vào ngày 22/2/2024. Ảnh: Ndong Brum

Ghi nhận tại huyện Đam Rông cho thấy, về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay địa phương này đã có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Đạ Tông và Đạ M’rông) và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Phi Liêng và Rô Men). Như vậy 6/8 xã của địa phương này đã về đích xã NTM, từ đó rút ngắn hơn mục tiêu về đích huyện NTM vào năm 2025.

Thực hiện Chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đáp ứng đầy đủ, kịp thời; các dịch vụ cơ bản (về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm..) được tiếp cận thuận lợi. Qua đó, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đề ra. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện chiếm tỷ lệ 11,72%, giảm 7,58%. Trong đó, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,31%, giảm 2,59%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 7,41%, giảm 4,99%.

Để chỉ đạo, quản lý, điều hành chương trình MTQG đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của huyện Đam Rông đã hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Nhờ đó giúp công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành các chương trình MTQG được đồng bộ, thống nhất, có sự gắn kết lồng ghép chặt chẽ giữa các chương trình, tạo thuận lợi trong thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu và những chỉ tiêu của các chương trình đã đề ra. Và chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng không là ngoại lệ. Theo đó, UBND huyện Đam Rông đã ban hành Kế hoạch số 97 ngày 12/4/2023 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trình HĐND huyện ban hành các nghị quyết phân bổ vốn để triển khai thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định. Phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các nội dung của chương trình, từ đó làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tuy vậy, theo ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, trong thực tiễn triển khai các chương trình MTQG ở huyện Đam Rông hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể, trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, về Dự án Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sự thiếu thống nhất của các văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu và các văn bản quy định về đào tạo nghề dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động đào tạo nghề. Công tác tuyển sinh học nghề gặp rất nhiều khó khăn, giảm về số lượng, việc chuyển đổi để học nghề thứ 2 bị ràng buộc về cơ chế dẫn đến tỷ lệ học viên học nghề ngày càng giảm, việc tuyển sinh theo nhu cầu của các xã đăng ký ở một số ngành nghề không có người đăng ký theo học, một số lớp tuyển sinh nghề chưa có định mức nghề theo Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ngày 25/04/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về “Phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, do đó trung tâm thiếu cơ sở lập dự toán chi phí các lớp học...

Về Dự án Tăng cường chất lượng dịch vụ mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân, hiệu quả phòng, chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm: Việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa triển khai chậm do đa số các thiết bị tin học hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh từ xa của các trạm y tế xã có cấu hình thấp, hết hạn sử dụng, việc lưu trữ, cập nhật thông tin chậm chưa đáp ứng được so với nhu cầu; ngành Y tế chưa phát triển được ứng dụng.

Trong thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, khó khăn, vướng mắc xảy ra trong chỉ đạo, tổ chức triển khai như: Phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình khống chế chỉ áp dụng cho huyện nghèo, dẫn đến khó khăn cho việc triển khai kế hoạch vốn giao; mặt khác một số thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của chương trình còn chồng chéo, chưa rõ, khó trong việc lập kế hoạch, phương án thực hiện. Cụ thể như ở nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất với mức đối ứng (Nhà nước hỗ trợ 70%, Nhân dân đối ứng 30%), các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đa số là người già cả, neo đơn và không đủ điều kiện (diện tích, kinh phí, nhân lực) để thực hiện dẫn đến sau khi tổ chức họp dân, bà con không đăng ký thực hiện. Trong nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện đang gặp khó khăn về cơ chế dẫn đến tỷ lệ học viên ngày càng giảm, hạn chế về con người nên không đủ đối tượng để mở lớp đào tạo...

Đối với Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhìn chung việc triển khai thực hiện còn chậm, lúng túng về phương pháp và cách làm. Đa phần các vấn đề trong thực hiện chương trình này nằm ở việc các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các ngành, cấp có thẩm quyền còn chậm, thiếu, gây khó khăn cho cấp cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG trên địa bàn, bên cạnh sự nỗ lực và linh hoạt trong triển khai, huyện Đam Rông cũng đã có những đề xuất về việc chuyển nguồn vốn qua năm 2024. Đồng thời có những đề xuất khác đối với UBND tỉnh để có sự điều chỉnh phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương nhằm phát huy cao nhất hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

https://baolamdong.vn/

Lượt xem: 57
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001631650
  •  Đang online: 23
  •  Trong tuần: 4.615
  •  Trong tháng: 104.294
  •  Trong năm: 269.935