Từ đầu năm 2022 triển khai thực hiện Đề án 06, vượt qua khó khăn, thách thức, cùng với các ngành, địa phương lực lượng Công an huyện Đam Rông đã thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 2025, tầm nhìn đến 2030 và kế hoạch của Công an tỉnh. Kết quả thành công bước đầu của đề án có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiều điểm mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng kinh tế số và xã hội số trên địa bàn huyện.
Điểm dịch vụ công trực tuyến của Công an xã Liêng Srônh
Mục tiêu tổng thể của Đề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích. Và để đạt được mục tiêu trên, đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình cụ thể của từng năm, từng giai đoạn, định hướng đến năm 2030. Trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, lực lượng Công an có nhiệm vụ cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng kí thường trú; đăng kí, cấp biển số môtô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình; cấp lại, đổi thẻ CCCD; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trữ; xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD; thủ tục làm con dấu mới và cấp chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Để thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được triển khai hiệu quả, Công an huyện Đam Rông thường xuyên tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư các thông tin y tế, bảo hiểm xã hội,… phục vụ phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNEID. Tích cực triển khai thu nhận hồ sơ căn cước công dân kèm cấp mã định danh điện tử cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã kết nối, đồng bộ số lượng hồ sơ từ phần mềm của Bộ Tư pháp sang phần mềm một cửa điện tử Igate.
Thực hiện nội dung của Đề án 06, Công an huyện đã và đang tích cực triển khai Dịch vụ công trực tuyến tại các xã trên địa bàn huyện. Đây là hình thức nộp hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, thay thế cho việc người dân, doanh nghiệp phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Để người dân, doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công được thuận lợi, chính xác, đảm bảo bí mật, mỗi người dân cần có tài khoản dịch vụ công hoặc tài khoản định danh điện tử (VneID) để truy cập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (dichvucong.dancuquocgia.gov.vn).
Từ tháng 12/2022 triển khai thực hiện mô hình điểm “Dịch vụ công trực tuyến” thí điểm tại xã Đạ Rsal đến nay đã đem lại rất nhiều lợi ích như: Giúp tăng tỷ lệ thu nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính (theo thống kê, tỷ lệ thu nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến luôn đạt trên 95%), qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân đối với lực lượng Công an xã Đạ Rsal và Công an huyện Đam Rông nói chung. Việc thực hiện thành công mô hình này góp phần chuyển từ môi trường làm việc thủ công truyền thống sang môi trường điện tử nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương.
Từ mô hình điểm tại xã Đạ Rsal, trong tháng 2/2023 Công an huyện Đam Rông đã tiếp tục phối hợp với các xã tiếp tục triển khai ra mắt mô hình tại hai xã: Rô Men và Liêng Srônh. Sau khi triển khai mô hình, Công an 2 xã trên đã phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các bước để truy cập ứng dụng VNeID, xác thực thành công thẻ căn cước công dân gắn chip để đăng ký thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân trên địa bàn 02 xã Rô Men và Liêng Srônh vẫn còn lúng túng trong việc cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm hưởng lợi từ các tiện ích do Dịch vụ công mang lại.
Trong thời gian tới, Công an huyện Đam Rông xác định tiếp tục phối hợp xây dựng Điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách thức cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Đề án 06, đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện Đam Rông nói chung và địa bàn 03 xã nói riêng; đẩy nhanh tiến độ nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn huyện.
Văn Cương