.
Giảm nghèo bền vững In trang
20/02/2023 04:44 CH

Trong 8 xã thuộc huyện Đam Rông hiện nay có 4 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới, tương ứng với xã khu vực I, còn lại 4 xã khu vực III thuộc diện xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. 65% dân số toàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ gốc Tây Nguyên và một số đồng bào dân tộc thiểu số di dân tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến sinh sống, lập nghiệp.

Nhằm thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ công tác giảm nghèo với nhiều phương pháp và cách làm phù hợp. 

Đập thủy lợi Bằng Lăng
Đập thủy lợi Bằng Lăng

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, nhất là vai trò của người có uy tín ở cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; giúp cho hộ nghèo nhận thức được việc thoát nghèo là trách nhiệm của chính bản thân, Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết nhằm hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Để chỉ đạo, quản lý, điều hành Chương trình MTQG đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, trong năm 2022, UBND huyện đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Nhờ đó giúp công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành các chương trình MTQG được đồng bộ, thống nhất, có sự gắn kết lồng ghép chặt chẽ giữa các chương trình, tạo thuận lợi trong thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu và những chỉ tiêu của các chương trình đã đề ra, nhất là đối với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Mặt khác, qua hoạt động của Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, sát sao với từng địa bàn phụ trách và kịp thời tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giao.

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết, trong năm 2022, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đáp ứng đầy đủ, kịp thời;các dịch vụ cơ bản (về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm..) được tiếp cận thuận lợi. Qua đó, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đề ra. 

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy: Tỷ lệ nghèo đa chiều là 2.845 hộ, chiếm tỷ lệ 19,3%. Trong đó, số hộ nghèo là 1.019 hộ, chiếm tỷ lệ 6,9% và số hộ cận nghèo là 1.826 hộ, chiếm tỷ lệ 12,40%.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, hiện nay, việc phân bổ vốn chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG Giảm nghèo nói riêng còn chậm; thông tư hướng dẫn chương trình của các bộ, ngành còn chung chung, chưa cụ thể; địa phương tuy thoát khỏi huyện nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, số xã, thôn đặc biệt khó khăn còn nhiều (chiếm 50%) nhưng không thuộc đối tượng, phạm vi địa bàn thực hiện của các dự án thành phần chương trình giảm nghèo... là những khó khăn đặt ra cho việc triển khai công tác giảm nghèo của huyện Đam Rông. Đặc biệt, vấn đề ý thức của người dân chuyển biến chậm, chưa thực sự quyết tâm, năng động trong thực hiện nhiệm vụ này là khó khăn lớn nhất trong nỗ lực giảm nghèo của địa phương.

Trong năm 2023, mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đam Rông được xác định là: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 4-5% (trong đó hộ nghèo giảm từ 1,5-2%, hộ cận nghèo giảm từ 2,5-3%.

Thời gian tới, huyện Đam Rông xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình MTQG trên địa bàn huyện, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch về giảm nghèo; gắn nội dung giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường, cùng với khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cải thiện điều kiện sống của người nghèo. 

Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thông qua việc thực hiện các công trình dự án quy mô nhỏ, đơn giản theo phương châm "Xã có công trình, dân có việc làm kiếm thêm thu nhập"; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng...

vphu

Lượt xem: 108
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001616099
  •  Đang online: 109
  •  Trong tuần: 16.714
  •  Trong tháng: 88.743
  •  Trong năm: 254.384