.
Đam Rông: 10 năm nỗ lực thực hiện các tiêu chí văn hóa nông thôn mới In trang
18/07/2019 12:00 SA

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển; trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Ðam Rông coi việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa phải đi trước một bước làm tiền đề để thực hiện các tiêu chí khác.

Nhà Văn hóa thiếu nhi Đam Rông được xây dựng khang trang, tạo sân chơi cho trẻ em. Ảnh: Q.U
Nhà Văn hóa thiếu nhi Đam Rông được xây dựng khang trang, tạo sân chơi cho trẻ em. Ảnh: Q.U


 
Hoàn thiện cơ sở vật chất
 
Ông Bùi Tiến Viết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đam Rông cho biết: 10 năm qua, huyện đã bám sát thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, quan tâm xây dựng nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) thôn và các thiết chế văn hóa phù hợp, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Đồng thời, thực hiện tiêu chí số 16 về văn hóa đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, thúc đẩy ý thức tự giác của mọi người, mọi nhà, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới.
 
Qua đó, trong 10 năm, huyện đã xây dựng mới được 39 nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao thôn; đầu tư mua sắm thiết bị cho 2 nhà văn hóa xã và 20 nhà SHCĐ thôn. Đến nay, toàn huyện có 8/8 xã có nhà văn hóa, 4/8 xã có sân thể thao, 53/56 thôn có nhà SHCĐ. 7/8 xã đã đạt tiêu chí số 6. Riêng 3 xã vùng Đầm Ròn, trước khi xây dựng nông thôn mới hầu hết các thôn đều không có nhà SHCĐ thì đến nay, xã Đạ Long có 5/5 thôn, xã Đạ Tông 9/9 thôn, xã Đạ M’Rông 6/6 thôn đã có nhà SHCĐ. 
 
Toàn huyện có 11.257 hộ, 47.069 khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với 35.018 khẩu/8.787 hộ (chiếm 74,4% dân số) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa và đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mường, Mông... di cư từ phía Bắc tạo nên cộng đồng 20 thành phần dân tộc chung sống đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện đã vận động xây dựng gia đình có đời sống kinh tế ổn định, phát triển, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần dân chủ để xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xây dựng thôn văn hóa nâng cao ý thức tự quản của các cộng đồng dân cư, hỗ trợ nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cà phê, lúa nước và chăn nuôi. Vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ môi trường, tôn tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tạo môi trường nông thôn đáng sống. Huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho Nhân dân các dân tộc trong huyện. Qua đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp với hình thức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các thôn, xã đều có đội văn nghệ tham gia các hội diễn của huyện, thu hút hàng ngàn diễn viên quần chúng thường xuyên tập luyện, biểu diễn. 
 
Đam Rông được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người K’Ho bản địa. Công tác bảo tồn, gìn giữ, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đạt được nhiều kết quả. Đến nay có 7 CLB cồng chiêng và nhiều đội nhóm được hình thành, thường xuyên luyện tập đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng trong vùng đồng bào dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, văn hóa của đồng bào Mông, Tày, Nùng và người Kinh ở các vùng miền di cư đến cũng được phát huy, gìn giữ. Các danh hiệu văn hóa được công nhận tăng lên, năm 2010 toàn huyện có 5.351 gia đình văn hóa, 39 thôn văn hóa; thì đến nay có 9.778/11.257 hộ được công nhận gia đình văn hóa (78%), 50/56 thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa (89%). Đến nay có 7/8 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa. 
 
2/6 xã sẽ hoàn thành tiêu chí văn hóa vào năm 2020
 
Đam Rông đã có xã đầu tiên về đích nông thôn mới là Đạ R’Sal; tiếp đến xã Rô Men đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới; nhưng đã có 6/8 xã hoàn thành các tiêu chí về văn hóa. Chỉ còn 2 xã là Liêng Sronh chưa đạt tiêu chí số 16 (với 4/6 thôn đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ 66%) và xã Đạ K’Nàng chưa đạt tiêu chí số 6 (với 7/10 thôn có nhà SHCĐ, tỷ lệ 70%), sẽ hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hoàn thành tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông với 8/8 xã có điểm phục vụ bưu chính, có dịch vụ viễn thông, internet, có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, xã có ứng dụng công nghệ thông tin. 
 
Tuy nhiên, ông Bùi Tiến Viết thẳng thắn nhìn nhận: Việc triển khai thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa tại một số xã còn khó khăn do việc quy hoạch quỹ đất còn chậm, vị trí chưa phù hợp, xa khu dân cư, thiếu quỹ đất để thực hiện xây dựng khu thể thao thôn, xã. Ở một số xã, nhà SHCĐ thôn được xây dựng trước năm 2010 có diện tích nhỏ hẹp, đã xuống cấp, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng. Vẫn còn một số nhà văn hóa chưa phát huy hiệu quả, chưa tổ chức hoạt động thường xuyên, Một số nơi trong đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức; một số chỉ tiêu đạt chuẩn nhưng còn thiếu tính bền vững, nặng về thành tích.
 
Trong thời gian tới, huyện Đam Rông tiếp tục tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các nhà văn hóa, nhà SHCĐ, khu thể thao để phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất văn hóa. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa...
 
QUỲNH UYỂN - baolamdong.vn

Lượt xem: 474
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002422227
  •  Đang online: 61
  •  Trong tuần: 29.397
  •  Trong tháng: 98.501
  •  Trong năm: 1.060.512