.
Khi tư duy sản xuất của người đồng bào DTTS được thay đổi In trang
14/03/2019 12:00 SA

Trước đây phong tục, tập quán canh tác của người dân vùng 3 xã cụm Đầm Ròn còn lạc hậu, sản xuất làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu tại chỗ. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân đã biết tiếp cận với những cây trồng mới mang lại giá trị kinh tế cao và đã bước đầu giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Có được kết quả đó là có sự đóng góp tích cực của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất.

Những năm trước đây ở khu vực 3 xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông – nơi có gần 90% là đồng bào DTTS, người nông dân chỉ quen với việc canh tác cây lúa nước, cây bắp, cây điều. Tuy nhiên, do trình độ canh tác còn lạc hậu, nhất là còn hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên giá trị sản xuất từ những loại cây trồng này mang lại chẳng là bao. Trước những yêu cầu tất yếu về sự phát triển của xã hội, MTTQ và các tổ chức thành viên ở huyện Đam Rông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy, nếp nghĩ, cách làm của các hộ dân, mà trước hết là thay đổi về tập quán sản xuất lạc hậu sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phù với điều kiện đất đai, khí hậu, trình độ sản xuất của người dân.

Một trong những nét nổi bật trong công tác tuyên, vận động các hộ dân thay đổi tư duy sản xuất của MTTQ và các tổ chức thành viên đó là trong 2 năm trở lại đây một số hộ dân đồng bào DTTS ở 3 xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông đã bắt đầu tiếp cận với nghề trồng dâu nuôi tằm – đây là cây trồng truyền thống đối với người nông dân ở các vùng khác, nhưng đối với cụm 3 xã Đầm Ròn lại là cây trồng mới. Lúc đầu chỉ có vài hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm, tuy nhiên sau khi thấy cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng bắp, nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp và một phần diện tích đất bãi bồi ven sông, ven suối sang trồng dân nuôi tằm. Hiện nay, theo thống kê có khoảng trên 100 hộ thuộc 3 xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích gần 40 ha, trong đó xã Đạ M’rông có số hộ và số diện tích trồng dâu nhiều nhất, với trên 80 hộ và gần 30 ha dâu. Ông Lơ Mu Ha Kiêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, cho biết:“Những năm qua, MTTQ xã Đạ M’rông đã phát huy tốt cái vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế xã hội, nhất là về vấn đề kinh tế. Hiện nay, thay vì như trước kia bà con chỉ trồng cây lúa, cây bắp năng xuất thấp, thì nay bà con đã có sự thay đổi về tư duy sản xuất, đặc biệt có một số hộ đã biết trồng dâu nuôi tằm, từ đó góp phần nâng cao cái đời sống của bà con”

Gia đình chị Đa Cát K’ Siêu, ở thôn Liêng K’rắc 1 cũng bén duyên với nghề trồng dâu nuôi tằm được mấy tháng nay. Hiện, gia đình chị có 5 sào đất trồng dâu và luôn duy trì nuôi từ 0,5 đến 1 hộp tằm/ tháng. Cũng từ nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp gia đình chị có thêm một khoản thu nhập đáng kể, trung bình mỗi tháng từ 7 đến 8 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư chăm sóc. Số tiền trên gia đình chị có điều kiện mua phân bón chăm sóc cà phê, cũng như mua sắm các vật dụng sinh hoạt cho gia đình và lo cho con cái ăn học. Chị Đa Cát K’ Siêu, ở thôn Liêng K’rắc 1, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, thổ lộ:“Gia đình tôi mới nuôi tằm được mấy tháng nay thôi và đây là đợt thứ 3 tôi nuôi tằm, mỗi lần nuôi được 0,5 hộp và khi thu kén sẽ bán được 4 triệu đồng. Tôi nhận thấy việc nuôi tằm nó thu nhập tốt hơn so với việc trồng bắp”

Không chỉ dừng lại ở nghề trồng dâu nuôi tằm, mà hiện nay nhiều hộ dân ở 3 xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông còn triển khai mô hình trồng khoai lang nhật, rau lagim, ớt. Trong đó điển hình là mô hình trồng ớt Chánh Phong của gia đình anh Rơ Jê Ha Mi, thôn Đa Kao 1, xã Đạ Tông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang mở ra hướng làm ăn mới cho các hộ khác cùng học tập làm theo. Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, trước đây 8 sào đất này được gia đình anh trồng bắp, mỗi vụ nếu chăm sóc tốt thì được khoảng 4 tấn hạt và thu được trên đưới 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc thì lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu. Năm 2018, gia đình anh đã chuyển đổi số diện tích này sang trồng rau lagim và từ tháng 11 năm 2018 gia đình đã chuyển sang trồng ớt Chánh Phong.

Theo anh Ha Mi đây là giống có khả năng sinh trưởng vượt trội, chống chịu được sâu bệnh gây hại, cành nhánh nhiều, thích hợp với nhiều loại đất. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 90 đến 95 ngày. Nếu chăm sóc tốt có thể cho năng suất đạt từ 08 tạ đến 01 tấn/sào và thời gian thu liên tục từ 5 đến 6 tháng. Hiện nay, cứ 2 ngày gia đình anh thu 1 lần, mỗi lần từ 1,5 đến 1,7 tạ, giá bán từ 20 đến 30 nghìn đồng/ kg quả tươi, lợi nhuận mang lại cao hơn từ 7 đến 10 lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác trên cùng một diện tích. Anh Rơ Jê Ha Mi, thôn Đa Kao 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, cho biết:“Cái diện tích này trước đây gia đình tôi trồng bắp, đến giữa năm 2018 chuyển sang trồng rau và bây giờ là trồng ớt. Tôi thấy cái việc trồng ớt thì nó mang lại hiệu quả kinh tế rất là cao, với 8 sào này thì mỗi ngày gia đình tôi thu nhập được hơn 2 triệu đồng”

Có thể khẳng định rằng, để thay đổi tập quán, phương thức sản xuất lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS sang hình thức sản xuất mới phù hợp với cơ chế thị trường là cả một lộ trình dài hơi và sự thay đổi đó có một phần đóng góp không nhỏ của MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất

Lê Tuấn

Lượt xem: 336
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002413145
  •  Đang online: 203
  •  Trong tuần: 20.315
  •  Trong tháng: 89.419
  •  Trong năm: 1.051.430