.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng In trang
13/01/2023 04:30 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Người là linh hồn, ngọn cờ chói lọi dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Sinh thời, Người luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, chăm lo và rèn luyện đạo đức cách mạng. Người coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập và noi theo.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.

Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.

Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không...".

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, tư cách của người cách mạng đã được Người chỉ rõ: đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.

Tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam, Bác nói: "Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể " Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Bác cho rằng: chính chủ nghĩa cá nhân đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội.

Trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường khẳng định: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang... Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả vì lợi ích riêng của cá nhân mình...

 Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, Bác căn dặn: những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Phát biểu tại Lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp ngày 10/10/1947, Bác nói: Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Bác giải thích rõ thế nào là đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng… Riêng đội ngũ trí thức, Bác cho rằng trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, không có đội ngũ trí thức thì công việc khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Bác nhắc nhở đội ngũ trí thức không nên vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt: "Một người học xong đại học có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế. Vì vậy, những người trí thức đó phải biết rõ khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn, chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế"

Từ lời nhắc nhở đội ngũ trí thức, Bác cho rằng lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành nhằm theo lý luận. Bác dùng hình ảnh lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). "Thực hành cũng giống như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành".

Hơn nửa thập kỷ đã qua kể từ ngày Người đi xa, lời Bác dạy mỗi chúng ta luôn ghi nhớ và cố gắng làm theo để trở thành những cán bộ tốt, những "trí thức hoàn toàn". Mùa xuân này, nhớ Bác, hãy cùng suy ngẫm và làm theo những lời Bác dạy, để mỗi cán bộ, công chức cơ quan cùng nhau tiến bộ mãi.

BTG HU

Lượt xem: 1.127
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002422285
  •  Đang online: 73
  •  Trong tuần: 29.455
  •  Trong tháng: 98.559
  •  Trong năm: 1.060.570