.
Lợi ích thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt In trang
24/01/2024 10:44 SA

Sở Y tế Lâm Đồng vừa đánh giá kết quả thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trong ngành Y tế Lâm Đồng. Đồng thời, chỉ đạo và giao chỉ tiêu đến các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có ít nhất một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.Lợi ích thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt đối với bệnh viện đó là: Đơn giản hóa thủ tục; phục vụ bệnh nhân tốt hơn, không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát); giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn, phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh.

Thực hiện chuyển đổi số, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh có ít nhất một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Thực hiện chuyển đổi số, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh có ít nhất một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt đem lại lợi ích cho người dân như: Không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán.

Đối với cộng đồng, xã hội, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt giúp các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán dễ dàng triển khai các dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt tại bệnh viện. Việc kết nối thanh toán được nhanh chóng, không mất nhiều công sức, giảm chi phí xã hội và không phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, đơn vị xây dựng phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện. Tạo môi trường bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt.

Thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trong ngành Y tế Lâm Đồng, tại các Bệnh viện tuyến tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã có kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022, tỷ lệ bình quân tại các đơn vị năm 2022 đạt 36,9%, đến hết tháng 11/2023, tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt 38,8% trên tổng số chi phí và đạt 30,1% trên tổng lượt thanh toán viện phí. Các hình thức triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành Y tế Lâm Đồng: Chuyển khoản và POS ngân hàng không kết nối với HIS hiện đã có 18/18 đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện thanh toán qua chuyển khoản.

Mobile money đã áp dụng thanh toán tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh.

Quét mã QR tĩnh đã triển khai thanh toán tại các bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Tẻh.

Thẻ khám bệnh đã triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hay quét mã QR động triển khai thực hiện tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Trung tâm Y tế TP Đà Lạt.

Sở Y tế tỉnh ghi nhận một số tồn tại, vướng mắc do việc đa dạng hóa phương thức thanh toán còn gặp nhiều hạn chế, đồng thời chưa có sự kết nối, phối hợp triển khai giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, còn nhiều hoàn cảnh khó khăn về kinh tế nên chưa được trang bị các thiết bị, công cụ, ứng dụng đáp ứng phục vụ công tác triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khi tham gia khám, chữa bệnh còn phổ biến dẫn đến kết quả triển khai chưa cao. Chi phí phục vụ công tác thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt còn cao như: phí dịch vụ qua thẻ ATM, phí thanh toán chuyển khoản, phí quản lý tài khoản, phí thanh toán qua POS... Một số cơ sở y tế chưa có sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban liên quan, đặc biệt là tại các khâu thu phí để nâng cao tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

https://baolamdong.vn/

Lượt xem: 146
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001705021
  •  Đang online: 25
  •  Trong tuần: 31.305
  •  Trong tháng: 70.687
  •  Trong năm: 343.306