Là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, ở Việt Nam các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Mỗi cá nhân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo.
Khách thập phương đi lễ chùa dịp đầu xuân tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: tuoitre.vn)
Ngày 9/3, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.
Cùng với thực tiễn sinh động, Sách trắng về tôn giáo cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, tiếp tục góp phần giúp thế giới và người dân hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta, đồng thời là căn cứ xác thực giúp bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đến nay, trên cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự.
Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là Phật giáo khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài khoảng trên 1,1 triệu tín đồ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo...
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng rất phong phú. Hiện nay, ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Cùng với tiến trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực: niềm tin tôn giáo được củng cố, số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo không ngừng gia tăng; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc,...
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.
Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.
Là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, ở Việt Nam các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Mỗi cá nhân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo.
Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước. Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Việc công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động trong việc củng cố tổ chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật. Hằng năm, số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng gia tăng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Đồng thời Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài.
Hằng năm, có hàng trăm lượt chức sắc, nhà tu hành, tín đồ của các tôn giáo ở Việt Nam xuất cảnh tham dự các hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài và hàng trăm lượt cá nhân tôn giáo nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Báo cáo về hoạt động đối ngoại giai đoạn 2011-2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đón gần 500 đoàn khách nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á-Âu (ASEM), đối thoại liên tín ngưỡng khu vực châu Á-Thái Bình Dương,...
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, các tổ chức tôn giáo luôn đồng hành và tham gia tích cực vào đời sống chính trị-xã hội đất nước.
Quốc hội khóa XV, có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu (trong đó có 4 chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử; 1 chức sắc ứng cử lần đầu); 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các hội, đoàn thể khác như Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...
Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Điều này đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận là tín đồ tôn giáo.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chính quyền các địa phương đã quan tâm kịp thời cũng như tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện cả nước có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại địa bàn các tỉnh, thành phố, chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh (41 điểm nhóm), thành phố Hà Nội (13 điểm nhóm) với sự tham gia của hàng trăm người có quốc tịch từ nhiều nước (Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp,...).
Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong đó có thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, các đối tượng chống phá, thù địch, thiếu thiện chí ở trong nước và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Ở trong nước, các đối tượng chống phá thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo, những sơ hở thiếu sót của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chính sách để thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; kích động, khai thác triệt để những chức sắc có tư tưởng cực đoan.
Từ một số vụ việc nổi cộm liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động người dân bất hợp tác với chính quyền, tham gia biểu tình, gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành,...
Ở nước ngoài, một số hội nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo; kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo”, “tự do nhân quyền”; viết thư ngỏ kêu gọi các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp...
Thực tế này đòi hỏi mọi người dân cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ.
Song song với đó, các bộ, ban, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân nói chung, tín đồ các tôn giáo nói chung trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người của Nhà nước ta.
Quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng nhân dân; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức tôn giáo, cũng như mọi cá nhân và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo./.