.
Những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 01/11/2013 của Ban chấp hànhTrung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn huyện Đam Rông In trang
25/04/2023 08:22 SA

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Chương trình hành động số 74-CTr/TU, ngày 11/2/2014 của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 71-CTr/HU, ngày 16/4/2014 của Huyện ủy Đam Rông về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, Ủy Ban nhân dân huyện tổ chức xây dựng đề án, kế hoạch để phổ biến quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 74-CTr/TU, ngày 11/2/2014 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chương trình hành động số 71-CTr/HU, ngày 16/4/2014 của Huyện ủy. Trên cở sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn huyện; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, các đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học trên địa bàn huyện và tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân.Nhìn chung, qua triển khai, quán triệt Nghị quyết 29 đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nói riêng và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và nắm vững những quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục ở từng địa phương, đơn vị. Từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ khâu tổ chức học tập, xây dựng kế hoạch đến phân công và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tham mưu xây dựng chương trình hành động sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về nội dung Nghị quyết 29 có nhiều chuyển biến, đề ra được nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW:

1. Về nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với đổi mới giáo dục và đào tạo: Qua10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục được đưa vào Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương từng giai đoạn, từng năm, từ đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy và ngành giáo dục nghiêm túc thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tại các trường học. Chỉ đạo tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, đạt kết quả cao; công tác thi đua, khen thưởng được đổi mới, kịp thời động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến ngành giáo dục; tình trạng bệnh thành tích, hiện tượng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện chưa xảy ra.Công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện. Đến nay, 100% các trường học đều có chi bộ độc lập; tổng số đảng viên trong toàn ngành là 500 chiếm tỉ lệ 45,2%, tăng 219 đảng viên so với năm 2013; các chi bộ đảng đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo các đơn vị trường học theo quy định.

Tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp huyện năm 2023
Tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp huyện năm 2023

2. Về đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xây dựng các kế hoạch, đề án đồng thời chỉ đạo ngành GD&ĐT chủ động triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dựa trên kế hoạch, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục tập trung triển khai thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Chỉ đạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cho ngành giáo dục và đào tạo đạt tiêu chuẩn theo qui định.Chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các trường TH, THCS và THPT đã thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 05/5/2006 của Bộ GD&ĐT; đồng thời tổ chức dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đúng lộ trình đối với các lớp 1, 2, 3, lớp 6, 7 và lớp 10; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục đảm bảo mục tiêu, nội dung và đáp ứng yêu cầu đề ra.Tích cực tổ chức cho học sinh tiểu học, THCS, THPT tham gia các sân chơi trí tuệ như: Thi Olympic Tiếng Anh trên internet (IOE), giải Toán, Vật lý qua internet, thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9, 12; hùng biện tiếng Anh, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giao lưu học sinh tiểu học; tổ chức các giải thể thao tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất.Chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung dạy học môn tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 và 2017 - 2025, Chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm giai đoạn 2011 - 2020. Từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018 huyện đã tổ chức giảng dạy 100% học sinh hệ 7 năm (từ lớp 3 đến lớp 9), từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2022 - 2023 đã có 4/13 trường TH, 6/10 trường THCS triển khai cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 (hệ 10 năm)…

Tập huấn công tác chuyển đổi số và sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến
Tập huấn công tác chuyển đổi số và sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến

3. Về đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan: Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm túc việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học đối với giáo dục phổ thông, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1 và thực hiện đảm bảo lộ trình các lớp học, cấp học.Đổi mới công tác kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập được ngành giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm trung thực, khách quan, theo đúng các thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.Trung tâm GDNN-GDTX huyện được quan tâm đầu tư để bảo đảm điều kiện học tập cho mọi người, nhất là đối tượng chính sách, xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được học nghề, chuyển đổi nghề; khuyến khích học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT được quan tâm thực hiện. Tổ chức truyền thông phân luồng học sinh tại 100% xã và các trường THPT trên địa bàn huyện, với hơn 6.000 lượt phụ huynh, học sinh tham gia. Thông qua các đợt truyền thông, nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc vừa học văn hóa vừa học nghề được nâng lên.

4. Về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, điều chỉnh mạng lưới trường học đảm bảo hợp lý giữa các loại hình và cấp học, phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Năm 2013, toàn huyện có 38 cơ sở giáo dục: 09 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 09 trường THCS, 03 trường THPT, 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, 01 trung tâm dạy nghề. Thực hiện kế hoạch sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm học 2019 - 2020 đến nay, toàn huyện có 37 cơ sở giáo dục, gồm: 10 trường mầm non, 13 trường TH, 09 THCS, 03 trường THPT, 01 trường THCS&THPT và 01 trung tâm GDNN-GDTX (giảm 02 trường TH công lập và tăng 01 trường MN tư thục). Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện. Đến tháng 6/2018, Tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn huyện là 12/36 (Trong đó có 05 trường MN, 05 trường TH và 03 trường THCS) chiếm tỷ lệ 33,3%. Đến nay toàn huyện có 27/36 trường đạt chuẩn quốc gia (9/10 trường mầm non, 11/13 trường TH, 6/9 THCS và 1/4 trường THPT, THCS&THPT), đạt tỷ lệ 90% đối các trường MN và 69,2% các trường phổ thông (mục tiêu đến 2030: 80% đối với trường MN và 65% đối với các trường phổ thông). Các trường phổ thông đã làm tốt công tác phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; thực hiện nghiêm túc chương trình dạy nghề cho học sinh lớp 8, lớp 11 tỷ lệ hoàn thành chương trình học nghề đạt khá, giỏi 100%.

5. Về đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng: Tăng cường chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 127/2018/NĐ-CP, ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT, ngày 22/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các trường mầm non, phổ thông đã thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các đơn vị trường học theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn huyện. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm được giám sát chặt chẽ; công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề, đợt tập trung được quan tâm thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm trong hoạt động giáo dục. Xây dựng và triển khai đảm bảo Quy chế dân chủ trong 100% trường học, chỉ đạo các trường thực hiện công khai theo quy định.

6. Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo: Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học ở địa phương. Ngành giáo dục và đào tạo thường xuyên củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học. Đến nay, toàn huyện có 1.106 cán bộ, giáo viên, nhân viên.Hàng năm, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp hợp lý. Xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Đến nay, Có 100% CBQL có trình độ Đại học, 16,7% CBQL có trình độ cao học; có 92,5% giáo viên trình độ đạt chuẩn, 16,7% trình độ trên chuẩn (giảm so với thời điểm 2013 do yêu cầu của Luật Giáo dục 2019); trong đó có 20 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ (năm 2013 có 02 thạc sĩ). Có trên 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ tin học từ chứng chỉ A trở lên, 100% có trình độ ngoại ngữ từ chứng chỉ A trở lên.Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, đúng quy trình. Từ năm 2013 đến nay, đã tuyển dụng được 682 giáo viên và nhân viên (MN 190, TH 288, THCS 204), bổ nhiệm mới 21 cán bộ quản lý (HT 03, PHT 18), bổ nhiệm lại 57 CBQL (HT 30, PHT 37), luân chuyển điều động 23 CBQL (16 HT, 07 PHT).Huyện ủy tạo mọi điều kiện, khuyến khích để cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, quản lý giáo dục. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi ở các cấp học nhằm tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Qua 10 năm đã có 1025 lượt giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp (cấp huyện 920, cấp tỉnh 104, quốc gia 01)...

7. Về đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo: Chỉ đạo các trường học hàng năm xây dựng và thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định. Chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được thực hiện đảm bảo, kịp thời, đúng đối tượng. Các trường khai thác sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý tài chính, tài sản trong công tác quản lý, chỉ đạo. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm nên phát huy được hiệu quả ngân sách nhà nước. Bằng các nguồn vốn trong giai đoạn 2013 - 2022 đã đầu tư xây dựng 243 phòng học, 68 phòng chức năng, các hạng mục cơ sở vật chất như nhà đa năng, sân bóng đá, bể bơi, tường rào, sân trường, nhà vệ sinh và mua sắm trang thiết bị dạy học. Riêng ngân sách của huyện đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy học hơn 49 tỉ đồng.

8. Về nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý: Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là khoa học giáo dục và khoa học quản lý được quan tâm thực hiện; nhiều đề tài sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập được áp dụng và có giá trị thực tiễn tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có 12 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng xét duyệt sáng kiến tỉnh công nhận. Mười năm qua, nhất là trong 05 năm 2019-2023, ngành giáo dục và đào tạo đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học, đáp ứng nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

9. Về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo: Trong những 2010 đến 2016, Giáo dục Đam Rông được thụ hưởng các hỗ trợ của Chương trình SEQAP, chương trình học bổng CCT dành cho học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn. Các dự án đều thực hiện đúng các qui định, quy chế của Nhà nước; đã quản lý, sử dụng có hiệu quả các công trình được đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí về tập huấn, hỗ trợ học sinh,…

Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Huyện ủy tăng cường chỉ đạo ngành Giáo dục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học hướng tới mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học như: Chương trình giáo dục mầm non mới, phương pháp Bàn tay nặn bột, Mỹ thuật mới, mô hình trường học mới VNEN, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn và học trực tuyến trên trang mạng “Trường học kết nối”, xây dựng “Nguồn học liệu mở”... một số mô hình sáng tạo như “trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc” trường MN Phi Liêng, TH Đạ K’Nàng, “trường học xanh - sạch - đẹp - thân thiện” trường PT DTNT THCS huyện Đam Rông, Câu lạc bộ học thuật, Câu lạc bộ thể dục thể thao trường THCS Phi Liêng…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29, Ban Thường vụ Đam Rông đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và tổ chức chính trị xã hội đối với giáo dục: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo dục; ưu tiên ngân sách nhà nước dành cho giáo dục phổ cập. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến từng chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học đưa các nội dung Nghị quyết vào kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm bảo đảm sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị.

2. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong Kế hoạch số 49-KH/TU, ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị giáo dục công lập”. Quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đảm bảo từng bước có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên dạy ngoại ngữ, giáo viên tư vấn học đường và hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và giáo viên giáo dục thường xuyên. Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

3. Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp: Tăng cường chỉ đạo việc rà soát, quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao để tập trung đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.Tăng cường đầu tư tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học hai buổi/ngày, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.

4. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến phổ thông bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.

5. Tăng cường công tác truyền thông: Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và tự chủ đại học, trước hết là quán triệt sâu sắc trong nội bộ ngành giáo dục.Kịp thời truyền thông kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để tạo niềm tin vào đổi mới; những yêu cầu mới đặt ra đối với đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đồng thời có các biện pháp kiểm soát kịp thời các thông tin sai lệch, có tác động tiêu cực đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Lan Trương

         

Lượt xem: 557
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001648876
  •  Đang online: 26
  •  Trong tuần: 26
  •  Trong tháng: 14.542
  •  Trong năm: 287.161