Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc M’Nông tại thôn Đạ Nhinh, xã Đạ Tông (CLB Cồng chiêng thôn Đạ Nhinh), vừa ra mắt, nhằm quảng bá, bảo tồn, trao truyền và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thu hút du khách đến địa phương...
Bên ngọn lửa hồng.jpg
Mô hình CLB Cồng chiêng thôn Đạ Nhinh, xã Đạ Tông được tổ chức còn nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đam Rông nói riêng; bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới tạo nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Đam Rông...
Già Ya Cát Tư (giữa) giới thiệu các di sản truyền thống của dân tộc M’Nông cùng bà con Nhân dân thôn Đạ Nhinh.jpg
Mô hình thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chủ trì thực hiện. Dự án lựa chọn và xây dựng mô hình văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc M’Nông tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông năm 2024, còn có định hướng để nhân rộng mô hình sang các dân tộc, địa phương khác...
Để chuẩn bị cho việc ra mắt CLB, công tác khảo sát, đánh giá đúng thực trạng văn hóa truyền thống của dân tộc M’Nông tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cũng góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào; gắn kết với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương một cách phù hợp... Trong đó, bên cạnh sự tham gia, phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và địa phương có liên quan, mô hình chú trọng sự tham gia của chủ thể văn hóa là đồng bào dân tộc M’Nông trên địa bàn xã Đạ Tông nói riêng và bà con dân tộc M’Nông ở Đam Rông nói chung...
Nghệ nhân biểu diễn khèn bầu.jpg
Việc tổ chức khảo cứu, thu thập thông tin về văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc M’Nông trên địa bàn huyện Đam Rông cũng giúp người dân thực hành, gìn giữ văn hóa truyền thống, bổ sung vào kho tàng tư liệu hóa về văn hóa truyền thống tại địa phương. Dự án cũng có kế hoạch mời chuyên gia am hiểu về du lịch địa phương, văn hóa dân tộc thiểu số hướng dẫn bà con phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với công tác bảo tồn; đồng thời, hướng dẫn các kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm dịch vụ; công tác quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng.
Để mô hình hoạt động tốt theo mục tiêu gắn với phát triển du lịch của địa phương, cần có nơi hoạt động ổn định, lâu dài; tập huấn kỹ năng hoạt động du lịch cộng đồng cho bà con; bên cạnh việc hỗ trợ các trang thiết bị, nguyên vật liệu, vật tư và các điều kiện cần thiết khác để xây dựng mô hình văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc M’Nông tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông hoạt động hiệu quả...
Từ nhiều năm trước, mô hình CLB Văn hóa cồng chiêng ở thôn Đạ Nhinh do ông Ya Cát Tư (nay 75 tuổi) thành lập đã hoạt động theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phục vụ các sự kiện của địa phương và giao lưu với các tổ chức, đoàn khách đến tham quan; phục vụ giao lưu văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương... Bà con trong CLB cũng thường xuyên hoạt động vào những lúc rảnh rỗi. Vì vậy, khi được chính thức công nhận, bà con rất vui mừng, vì có thêm sự hỗ trợ của chính quyền và các ban, ngành trong hoạt động du lịch; cũng như, sự động viên, khuyến khích trong hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống...
Bà Blin Cil - Chủ nhiệm CLB, cho biết: Từ trước đến nay, CLB thường xuyên sinh hoạt định kỳ 3 buổi/tuần nếu các thành viên có thời gian rảnh rỗi, vừa để khuyến khích duy trì hoạt động, vừa là nhiệt huyết, đam mê, yêu thích và ham học hỏi của mỗi thành viên trong CLB. Từ khi có quyết định công nhận của xã, các thành viên ý thức hơn, trau dồi kỹ năng tiếp đón, giới thiệu, quảng bá, sinh hoạt giao lưu... Mặc dù các nội dung hoạt động gắn với du lịch đang được xây dựng và hoàn thiện từ từ, nhưng chúng tôi có động lực để làm tốt hơn nữa... với mong muốn bảo tồn văn hóa cồng chiêng, văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc M’Nông ở xã Đạ Tông. Ông Ya Cát Tư nay đã lớn tuổi, nhưng thường xuyên quan sát, hướng dẫn, quan tâm đến các thành viên trong CLB...
Vùng Đạ Tông, Đạ Long sẽ trở nên rất gần với Đà Lạt khi đường Đông Trường Sơn được chính thức khai thông, với nguồn tài nguyên là suối khoáng nóng, văn hóa cộng đồng, cộng với không gian xanh mát của làng quê thanh bình, thanh âm của tiếng cồng, tiếng chiêng, những vũ điệu xoang, trang phục truyền thống... chính là lời mời gọi có trách nhiệm, tình yêu văn hóa dân tộc, niềm tự hào về di sản văn hóa cồng chiêng của cha ông truyền lại, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với buôn làng; cũng chính là những hoạt động cụ thể góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp ngàn đời của cha ông...
Nguồn: Baolamdong.vn