.
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”trên địa bàn huyện Đam Rông In trang
19/04/2024 02:47 CH

Đối với huyện Đam Rông, sau 20 năm được thành lập, huyện đã có nhiều khởi sắc trên tất cả các mặt, cụ thể như: Công trình trọng điểm điện, đường, trường, trạm được xây dựng cơ bản đảm bảo phục vụ nhân dân; thu nhập bình quân đầu người tăng so với những năm trước đây, đời sống của nhân dân ổn định và dần được nâng cao; nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật trong nhân dân ngày một được nâng lên. tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những chỉ đạo quan trọng trong việc phát triển văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng với quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được các ban, ngành chức năng tổ chức thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia; an ninh trật tự cơ bản ổn định.

Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông hình coppy.jpg
Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông hình coppy.jpg

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn như thu nhập bình quân đầu người so với mặt bằng chung của tỉnh còn thấp; tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dần làm cho văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số bản địa bị mai một, thế hệ trẻ ít quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống; tệ nạn xã hội ngày một gia tăng; tình trạng dân lấn chiếm đất rừng, đòi về “làng cũ” gây ra những ảnh hưởng tâm lý nhất định trong nhân dân. Việc dân di cư tự do từ các vùng núi phía bắc vào sinh sống gây ra hệ quả về rừng..

Trước bối cảnh trên để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo địa phương có những giải pháp phù hợp, vừa khắc phục được những hạn chế, đồng thời phát huy được mặt mạnh về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 33-NQ/TW đã đề ra.

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt toàn huyện; đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy đến rộng rãi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn toàn huyện. UBND huyện ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2015.

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn các tổ chức đảng và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, gắn với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào thi đua yêu nước; cấp phát tài liệu bao gồm đĩa CD, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về phong tục tập quán do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành cho đảng ủy 8 xã làm tài liệu tuyên truyền trong nhân dân; in, dựng 450m2 panô, treo 850m băng rôn; 330 tin bài, phóng sự về gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang, lễ hội...

Trao nhà Đại Đoàn kết hinh coppy.jpg
Trao nhà Đại Đoàn kết hinh coppy.jpg

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác tuyên truyền vẫn còn những khó khăn nhất định, như: Nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... đã có những chuyển biến cơ bản nhưng chưa nhiều. Mặt khác, sự tác động trái chiều từ mạng xã hội, là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, truyền bá, tiêm nhiễm văn hóa độc hại, trái với thuần phong, mỹ tục dân tộc, kích động lôi kéo nhân dân. Cùng với đó địa bàn dân cư không tập trung; kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế; một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa chủ động trong triển khai Nghị quyết tại địa phương, đơn vị.

Kết quả thực hiện 6 nhiệm vụ:

Xây dựng và phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện

Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc khắc phục và đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nền tảng xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Từ đó, thường xuyên phát động các phong trào thi đua, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm xây dựng ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, có lối sống lành mạnh, trong sáng, văn minh. Thông qua các phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, đền ơn đáp nghĩa đã khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong các tầng lớp nhân dân, đã tạo được sự đồng nhất trong cộng đồng, góp phần đẩy lùi những hành vi phi đạo đức, vi phạm pháp luật, lối sống tiêu cực. Tổ chức phát động các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; “Tuổi trẻ Đam Rông học tập và làm theo lời Bác”; các cuộc vận động xã hội như Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn huyện đạt được kết quả bước đầu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; công tác giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng; công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân có nhiều tiến bộ; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm; ý thức của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng lên. Tính đến tháng 12/2023: tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống còn 11,72%; tỷ lệ hộ nghe đài truyền thanh và xem truyền hình đạt 98,5%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 15,8%; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, toàn huyện có 12.283/13.815 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 88,6% (tăng 7,7 % so với năm 2014), 53/53 thôn văn hóa, đạt 100% (tăng 9,8% so với năm 2014), 62/66 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,4% (tăng 6,8% so với năm 2014). Toàn huyện có 8/8 xã đăng ký và phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới ” và được huyện công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 100% (tăng 98,75% so với năm 2014).

 

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Xác định rõ việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là việc làm quan trọng và cần thiết. Do vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị rà soát, xây dựng bản đăng ký chuẩn mực đạo đức công vụ, khẩu hiệu hành động; đến nay 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sửa đổi, bổ sung và niêm yết công khai bản chuẩn mực, khẩu hiệu hành động tại cửa ra vào nơi dễ nhìn để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện và để người dân đến liên hệ công tác theo dõi.

                 Trong xây dựng nông thôn mới: Năm 2014 toàn huyện mới chỉ có 01 xã đạt 15 tiêu chí, 7 xã còn lại chỉ đạt từ 4 đến 10 tiêu chí, thì đến năm 2024 huyện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên; 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 01 xã phấn đấu nông thôn mới nâng cao. Việc xây dựng nếp sống văn minh: Các quy định trong việc cưới đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hủ tục lạc hậu như thách cưới quá cao hầu như không còn, không tổ chức ăn uống dài ngày, hạn chế thấp nhất tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn ngày càng giảm; trong tổ chức việc tang, đa số người dân đã có ý thức chấp hành quy ước, hương ước xây dựng đời sống văn hóa thôn, đã xóa bỏ các hủ tục rườm rà, lạc hậu trong các bước tiến hành tang lễ.

 

Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế

Công tác xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được xem là mục tiêu hàng đầu để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Để làm được điều đó, tại Kế hoạch số 26-KH/HU, ngày 05/10/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định xây dựng bộ máy liêm khiết từ huyện đến cơ sở, tôn trọng nhân dân, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân…

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện đã thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội; phát huy tinh thần xây dựng, đóng góp ý kiến trong nhân dân; bên cạnh đó tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Góp phần nâng cao chất lượng đời sống trong nhân dân. Kết quả; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm hàng năm, cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trên toàn huyện năm 2015 là 47%; năm 2016 là 32%, giảm 15% so với năm 2015; năm 2017 là 27,83%, giảm 7,38% so với năm 2016; năm 2018 còn 19,92%, giảm 7,9% so với năm 2017 và đến 12/2023 còn 11,92%.

Ngay sau khi Nghị quyết 33-NQ/TW ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ trương xây dựng, tăng cường các thiết chế văn hóa; quy hoạch quỹ đất dành cho thể dục, thể thao cấp huyện là 3,2 ha, quy hoạch đất thể thao cấp xã là 500m2 trở lên; 53/53 thôn có Nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%; có 01 sân vận động cấp huyện, trung tâm văn hóa thông tin của huyện được Quân khu 7 hỗ trợ đầu tư khang trang, 02 sân tennis và nhiều cơ sở thể dục thể thao tư nhân được xây dựng và hoạt động hiệu quả; nhiều cơ sở mở các lớp đào tạo, giảng dạy các môn năng khiếu như: karatedo, yoga, thể hình,…

 

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

Nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật dân gian, huyện đã và đang đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và từng bước phục hồi các giá trị truyền thống như: lễ hội cồng chiêng, lễ hội cầu mưa (do Sở văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện tổ chức tại xã Đạ Long), lễ hội mừng lúa mới của bà con đồng bào dân tộc M’Nông, K’Ho, lễ đặt tên, lễ mừng thọ và một số trò chơi dân gian…; đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức 51 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và thành lập được 04 đội cồng chiêng tại xã Liêng Srônh, Đạ Long, Đạ M’Rông, Đạ K’Nàng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 45 đội, nhóm (không chuyên), câu lạc bộ cồng chiêng với gần 600 thành viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động tập luyện, biểu diễn, giao lưu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Huyện đang đầu tư xây dựng 01 mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng động tại xã Đạ Tông với 30 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng; có trên 20 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong nhân dân, phong trào dân vũ của huyện phát triển mạnh những năm gần đây, toàn huyện hiện có khoảng 15 câu lạc bộ dân vũ, yoga…

 

Về hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Tiếp tục giữ gìn tốt mối quan hệ truyền thống lâu đời và tốt đẹp với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào; huyện đã đón tiếp và giao lưu văn hóa, văn nghệ với đoàn công tác Hội LHPN tỉnh Champasăk (Nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào) do bà Tedavanh Keophilavanh - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Champasăk đến thăm huyện Đam Rông. Hoạt động này đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tiếp cận với nền văn hóa tỉnh bản; đồng thời, quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện Đam Rông đến với nhân dân tỉnh Champasăk. Ban Thường vụ Huyện ủy chi đạo tổ chức thành công Đại hội chi hội hữu nghị Việt Nam - Lào; Đại hội chi hội hữu nghị Việt Nam - Camphuchia

 

Kết quả thực hiện các giải pháp:

 

Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, địa phương, cơ quan chuyên môn quán triệt, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về văn hóa, con người Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò của văn hóa trong tình hình mới; mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức các phong trào thi đua; tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu đồng thời phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì hiệu quả.

 

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện kiểm duyệt, thẩm định nội dung và kiểm tra các chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc, xiếc… trước khi các đoàn nghệ thuật đăng ký về địa phương biểu diễn phục vụ nhân dân. Đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, internet … khuyến khích nhân dân tham gia các hội văn học, nghệ thuật, thơ ca…; tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia kết nối với một số website chính thống, facebook để đăng tin bài phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, nhằm chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 

Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa tại cơ sở, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, như nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình thể thao, trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...Cụ thể:  Về nhà sinh hoạt cộng đồng: Đã xây mới và sửa chữa 50/53 thôn (đạt tỉ lệ 89,2%). Về trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ thể thao: Trong những năm qua, huyện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị âm thanh máy móc gồm: Loa, âm ly, micro và các vật dụng liên quan khác để phục vụ cho các hoạt động văn hóa đến tận cơ sở thôn trên địa bàn. Về công trình thể thao cấp huyện: Hiện nay, huyện đã xây mới và đưa vào sử dụng 01 Nhà văn hóa thiếu nhi (nguồn đầu tư từ Quân khu 7); nâng cấp 01 sân vận động trung tâm huyện; 02 sân tennis, 11 sân bóng đá nhân tạo (từ xã hội hóa).

 

Xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa

 

Nhận thức được vai trò của đội ngũ làm công tác văn hóa, từ năm 2014 đến nay huyện luôn coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, cụ thể: Chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng quy hoạch cán bộ quản lý ngành giai đoạn 2010 - 2020; cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo nguồn kế cận, tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành; các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý văn hóa do tỉnh tổ chức; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phục vụ nhân dân. Đội ngũ cán bộ trực tiếp phục vụ trong ngành văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được kiện toàn về số lượng, nâng cao chất lượng (hiện có 29 người, trong đó: cấp huyện 21 người và cấp xã 08 người), công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chính trị, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập và phát triển được quan tâm bố trí, sắp xếp.

Nhìn chung, Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” các hoạt động văn hóa trên địa bàn đạt được những kết quả nhất định. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm triển khai thực hiện; các hoạt động nghệ thuật có bước phát triển mới và có tính chuyên nghiệp hơn; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đầu tư và phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân các dân tộc trong huyện. Phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo; các phong tục tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh. Môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Việc chống sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội khó kiểm soát trên các trang mạng internet. Trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu; quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa, thể thao của các xã chưa đồng bộ (một số xã chưa quy hoạch được đất xây dựng sân vận động xã). Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức quản lý thiết chế văn hóa cơ sở còn thấp. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng mặc dù có sự chuyển biến nhưng còn hạn chế, đặc biệt về kinh phí và thời gian hoạt động. Bởi phần lớn thành viên là người lao động, thời gian dành cho lao động sản xuất là chủ yếu, kinh phí cho hoạt động chủ yếu do đóng góp cá nhân… việc xã hội hóa chưa được nhiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác văn học, nghệ thuật chưa có sự đầu tư thỏa đáng; chưa có biện pháp và chế độ đãi ngộ để phát hiện và bồi dưỡng tài năng.

Bài học kinh nghiệm: Để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị; cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa vào quy ước, hương ước của thôn văn hóa, vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các cuộc vận động như: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư,… tạo thành phong trào thi đua chung của toàn xã hội, để từng thôn, làng, mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân cùng tham gia, tạo nên sức mạnh tập thể để đẩy mạnh thực hiện phong trào. Phát huy vai trò vận động của Mặt trận và các đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc thực hiện Nghị quyết, tạo sự lan tỏa... Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đồng thời nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cách làm hay để địa phương khác học tập, rút kinh nghiệm.

Lan Trương

 

Lượt xem: 383
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002413953
  •  Đang online: 91
  •  Trong tuần: 21.123
  •  Trong tháng: 90.227
  •  Trong năm: 1.052.238