I. BỐI CẢNH, ÂM MƯU CỦA ĐẾ QUỐC MỸ TIẾN HÀNH CUỘC TẬP KÍCH ĐƯỜNG KHÔNG CHIẾN LƯỢC VÀO MIỀN BẮC VIỆT NAM THÁNG 12/1972
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân, hải quân đánh phá ra miền Bắc. Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 01/11/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đồng thời chuyển sang thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
xác máy bay B52 bị bắn rơi
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 06/4/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng..., nhưng đều bị đánh bại; cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta.
Chiến tranh kéo dài khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong nội bộ và làm trầm trọng hơn những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Ních-xơn. Trong khi đó, Hội nghị đàm phán bốn bên tại Pari đã kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đầu tháng 10/1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này.Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, Níchxơn đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận, đòi Việt Nam phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí và tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.
Để cứu vãn Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và tình hình, đế quốc Mỹ đã âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pari theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Chúng đãsử dụng máy bay chiến lược B-52[1]: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Ngày 14/12/1972,Níchxơn chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Lainơbếchcơ II (nghĩa là Cứu bóng trước khung thành II).
II. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CỦA CHIẾN DỊCH PHÒNG KHÔNG HÀ NỘI
1. Những diễn biến chính
- Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội
- Sáng ngày 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương:“Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”. Bộ Tổng Tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị:“Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: pháo cao xạ, tên lửa, rađa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, đào hầm hào, phối hợp với công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản...”. 18 giờ 50 phút, Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1; 19 giờ 10 phút, Đại đội rađa 16 phát hiện nhiễu B-52. 19 giờ 15 phút, Trung đoàn 291 phát hiện B-52 và báo cáo: “B-52 đang vào miền Bắc”. 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch. Từ 19 giờ 25 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm; 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên - cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.
Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp máy bay 671 từ hướng Tam Đảo đánh phá các kho tàng ở Đông Anh, Cổ Loa. Một kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 đã phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp, hạ 01 máy bay B-52.Đây là chiếc B-52 đầu tiênbị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10 km. Thắng lợi hạ gục tại chỗ “Siêu pháo đài bay B-52” ngay trong đêm đầu tiêncó ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội.
Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội, xen kẽ có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích; ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 03 máy bay B-52 (02 chiếc rơi tại chỗ).
- Sáng ngày 19/12/1972, Bộ Chính trị họp, chỉ đạovề đánh máy bay B-52. Đêm ngày 19/12, máy bay B-52 tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 87 lần chiếc B-52 và hơn 200 lần chiếc máy bay cường kích ném 3 đợt bom xuống 68 điểm thuộc nội và ngoại thành. Các lực lượng phòng không ba thứ quân của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 01 máy bay B-52; 01 máy bay F-4.
- Đêm ngày 20/12/1972 (bắt đầu từ lúc 19 giờ 27 phút), địch sử dụng 93 lần chiếc B-52 và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào đánh phá Hà Nội và một số mục tiêu ở khu vực Hải Phòng, Thái Nguyên. Rút kinh nghiệm các trận đánh trước, quân và dân tađã anh dũng, mưu trí,lập công xuất sắc: chỉ với 35 quả đạn đã bắn rơi 07 chiếc B-52 (có 05 chiếc rơi tại chỗ). Đại đội tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và Cơ khí Lương Yên), bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy bay F-111 “cánh cụp cánh xòe” của địch.
- Ngày 21/12/1972, địch sử dụng 180 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm địch huy động 24 lần chiếc B-52, 36 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu trọng yếu của ta tại Hà Nội và một số khu vực tại Bắc Giang, Hải Phòng.Phát huy khí thế chiến thắng của 3 ngày trước, quân và dân ta đã bắn rơi 11 máy bay, trong đó có 03 chiếc B-52; 02 chiếc F-4; 2 chiếc A-7; 01 chiếc F-111; 01 chiếc A-6; 01 chiếc RA-50; 01 chiếc F-105.
- Ngày 22/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu quanh Hà Nội; ban đêm, địch sử dụng 24 lần chiếc B-52 và 30 máy bay chiến thuật hộ tống, cùng 09 máy bay F-111 đánh các mục tiêu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh..., các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, bắn rơi 06 máy bay; trong đó, bắn rơi tại chỗ 03 chiếc B-52; 01 chiếc F-111; 01 chiếc F-4.
- Ngày 23/12/1972,ban ngày, địch sử dụng54 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội; ban đêm, địch sử dụng 33 chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và khu vực Bắc Giang; 30 máy bay F-4 và F-105 và 07 máy bay chiến thuật của Hải quân, 11 máy bay F-111 đánh phá các sân bay: Nội Bài, Yên Bái,Kiến An (Hải Phòng) và một số mục tiêu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ta bắn rơi 04 máy bay, trong đó có 02 chiếc B-52; 01 chiếc F-4; 01 chiếc A-7.
- Ngày 24/12/1972,ban ngày, địch sử dụng44 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên, Hà Bắc; ban đêm, địch sử dụng 33 lần chiếcB-52,39 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt Ga Kép, Bắc Giang, các sân bay Yên Bái và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội). Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 05 máy bay: 01 chiếc B-52; 02 chiếc F-4; 02 chiếc A-7.
Trước những thất bại nặng nề, 24 giờ 00 ngày 24/12, lấy cớ nghỉ lễ Nôen,địch tạm ngừng tập kích để củng cố tinh thần, lực lượng và tìm thủ đoạn đánh phá mới.
- Ngày 25/12/1972, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương nhận định: địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân thủ đô Hà Nội cùng các địa phương miền Bắc cần rút kinh nghiệm các trận đánh trước, tiếp tục củng cố tinh thần, lực lượng đánh địch trong những ngày tới. Tranh thủ thời gian địch ngừng đánh phá, cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không ba thứ quân của các địa phương, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã khẩn trương rút kinh nghiệm, tìm cách đánh, kịp thời ứng phó với các thủ đoạn đánh phá của địch.
- Ngày 26/12/1972, từ 13 giờ 00 đến tối, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh. Từ 22 giờ 05 phút đến 23 giờ 20 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục vào nhiều mục tiêu khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, ném bom rải thảm dữ dội tàn phá tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là phố Khâm Thiên và phố Hai Bà Trưng,Hà Nội. Hơn một giờ chiến đấu anh dũng, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 08 máy bay B-52 (riêng Hà Nội bắn rơi 05 chiếc, trong đó 04 chiếc rơi tại chỗ) và 10 máy bay chiến thuật khác(đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong 9 ngày chiến đấu). Trong trận này, lần đầu tiên Trung đoàn 252, Quân khu Việt Bắc đã bắn rơi 01 chiếc B-52 bằng pháo cao xạ 100 mm.
- Ngày 27/12/1972, buổi sáng, địch huy động 100 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch tăng cường huy động 36 lần chiếc B-52,66 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ, xen kẽ, địch dùng 17 lần chiếc F-111 tập trung đánh phá dữ dội vào khu vực Hà Nội.Ngày và đêm 27/12, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay trong đó có 05 chiếc B-52; 05 chiếc F-4; 02 chiếc A-7; 01 chiếc A-6; 01 máy bay lên thẳng HH-53. Đặc biệt, lần đầu tiên B-52 bị Phi công Phạm Tuân lái máy bay MiG-21 bắn rơi vào lúc 22 giờ 20 phút.
- Ngày 28/12/1972, ban ngày địch huy động 131 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch sử dụng khoảng 60 lần chiếc B-52 đánh vào các mục tiêu ở khu vực nội, ngoại thành Hà Nội. Quân và dân ta tiếp tục chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 03 máy bay, trong đó có 02 chiếc B-52 (01 chiếc do Phi công Vũ Xuân Thiều lái chiếc máy bay Mig-21 tiêu diệt và đã anh dũng hy sinh); 01 chiếc RA-5C.
- Ngày 29/12/1972, do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, máy bay B-52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa Hà Nội nữa. Ban ngày, địch sử dụng 36 lần chiếc máy bay chiến thuật;ban đêm, địch huy động 60 lần chiếc B-52, 70 lần chiếc máy bay chiến thuật công kích các mục tiêu ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Hóavà ngoại vi Hải Phòng, Quảng Ninh. Các đơn vị phòng không vòng ngoài của ta (tiểu đoàn 72, 78, 79) đã bắn rơi 02 máy bay (01 chiếc B-52, 01 chiếc F-4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12 tháng 1972.
- 07 giờ sáng ngày 30/12/1972, Níchxơn tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.
Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.
2. Kết quả và nguyên nhân của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
2.1. Kết quả
- Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 quân và dân ta miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 05 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 04 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 01 chiếc F-105D; 02 chiếc RA-5C; 01 chiếc trực thăng HH-53; 01 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không- Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch[3].
- Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao.Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%. Nhưng trong cuộc tập kích bằng đường không vào Hà Nội,riêng B-52tỷ lệ tổn thất lên tới 17% (34/193 chiếc). Tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”[4]. Trong hồi ký của mình, Níchxơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.
Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ngày 27/01/1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
51 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta thêm tin tưởng, tự hào về Đảng ta, một Đảng mácxít kiên cường, luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn của sức mạnh nội lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
NVN (Sưu tầm)