Cuối năm 2023, Hội thi “Học sinh với nét đẹp văn hóa ứng xử trong trường học” lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức dành cho học sinh bậc trung học phổ thông đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong suy nghĩ của những người làm cha, làm mẹ, của mỗi thầy cô giáo và cả trong tâm hồn của các em học sinh. Đó như một hồi chuông nhắc nhớ cho tất cả chúng ta phải luôn nghĩ về chữ lễ, về đạo nghĩa thầy - trò.
Hội thi “Học sinh với nét đẹp văn hóa ứng xử trong trường học” do Sở GDĐT Lâm Đồng tổ chức
Trong dòng chảy văn hóa Việt, đạo thầy - trò vẫn luôn là mối quan hệ thiêng liêng và đặc biệt, chưa bao giờ mất đi, ngược lại theo biến thiên của lịch sử chúng càng được vun đắp và luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Trong quy chuẩn của Nho giáo, người thầy được xếp thứ hai trong phép Tam cương “Quân - Sư - Phụ” và được tôn kính suốt đời. Người Việt còn làm phong phú thêm cái lễ trọng ấy bằng chữ “Tôn sư trọng đạo”, tất cả chỉ vì sự hiếu học cũng như luôn đề cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Bởi người thầy không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà còn dạy cho học trò đạo làm người.
Trong khuôn thước của lễ giáo phong kiến, đạo thầy - trò luôn được xây dựng trên nền tảng cơ bản là quy chuẩn của đạo đức và luân lý và đó cũng là nét đẹp truyền thống được nhiều thế hệ cha ông gìn giữ và phát huy.
Xã hội thay đổi, đời sống công nghiệp, đô thị hóa, cơ chế thị trường cùng phương pháp giáo giục mới, cách tân, hiện đại, mối quan hệ thầy - trò cũng khác đi rất nhiều, gần gũi và bình đẳng hơn.
Nhưng cũng chính từ sự thay đổi ấy, mỗi sáng bật máy tính hay mở điện thoại chúng ta đều không khó để tìm thấy những thông tin thật sự đau lòng, làm vấy bẩn đi nghĩa thầy - trò, đạo làm người. Cô giáo bắt học sinh ăn giẻ lau bảng, cô giáo tát học sinh và bắt các học trò khác làm theo. Hay thầy giáo dâm ô với nữ sinh bằng tuổi con, tuổi cháu. Rồi học trò dùng dép đập thẳng vào mặt cô giáo, bóp cổ cô giáo... bạo lực, nhơ nhuốc làm vẩn đục đi không gian học đường, nơi đạo lý của những chữ “Nhất tự vi sư...”, “Không thầy đố mày làm nên” bị hoen ố.
Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi cần lời giải của tất cả chúng ta. Từ người làm cha, làm mẹ đến mỗi thầy cô giáo và cả cách tiếp cận cuộc sống đầy tiêu cực của môt số em học sinh đang tuổi chập chững bước vào cuộc sống.
Vòng xoáy của đời sống thị trường, cơm áo bủa vây, ai cũng phải ngụp lặn để vươn lên. Phụ huynh chỉ lo kiếm tiền, phó mặc việc dạy dỗ tri thức, định hướng nhân cách cho các thầy cô giáo. Một số thầy cô giáo cũng không ngại ngần nhận bì thư cảm ơn của phụ huynh học sinh vào mỗi dịp lễ, coi như đó là chuyện đương nhiên. Chính điều này đã dẫn đến đạo thầy - trò không còn giữ được những quy chuẩn căn bản về nền tảng đạo đức cũng như luân lý phép tắc.
Giữa những lúc hành vi ứng xử trong môi trường học đường ở nhiều nơi không còn giữ được lề lối vốn có, Hội thi “Học sinh với nét đẹp ứng xử văn hóa trong trường học” do ngành Giáo dục Lâm Đồng tổ chức đã trở thành một điểm nhấn, hay đúng hơn là một hồi chuông thức tỉnh để tất cả chúng ta phải soi chiếu lại.
Dù chỉ bó hẹp ở các nội dung về sự thể hiện văn hóa ứng xử của học sinh trong trường học đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ, người thân và bạn bè; kỹ năng xử lý các tình huống, các vấn đề phức tạp, không lành mạnh xảy ra trong trường học, trong đời sống cá nhân; trách nhiệm của bản thân đối với việc hoc tập, bạn bè thầy cô giáo; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong trường học... mà không có chiều ngược lại, đó là cách ứng xử của thầy cô giáo với học trò, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp hay rộng hơn là giữa các bậc phụ huynh với thầy cô giáo, với chính con cái của mình. Nhưng rõ ràng, cuộc thi đã đem đến một cái nhìn tích cực không chỉ cho các em học sinh, mà còn cho cả các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có dịp để điều chỉnh lại mình.
Đây là một hội thi cần được ngành Giáo dục Lâm Đồng duy trì và mở rộng đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, bởi những thông điệp tốt đẹp mà hội thi mang đến đang rất cần cho môi trường văn hóa học đường ở thời điểm hiện tại.
https://baolamdong.vn/