.
Thắp sáng hi vọng cho những mầm xanh khiếm thị In trang
18/03/2024 09:08 SA

Giống như những cánh chim non lạc đàn, hành trình của trẻ khiếm thị vốn dĩ đã chông gai và nhiều thử thách hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Không mong muốn các em phải đơn độc trên con đường vốn đã đầy gian nan này, vì lẽ đó mà suốt hơn 20 năm qua, Soeur Nguyễn Thị Đức Dung cùng các Soeur ở Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt luôn đồng hành và dành trọn tình yêu thương để soi sáng, dẫn đường cho các em tự tin vững bước trên hành trình của mình. 

Soeur Dung ân cần chỉ dạy, chăm sóc các em khiếm thị ở Mái ấm
Soeur Dung ân cần chỉ dạy, chăm sóc các em khiếm thị ở Mái ấm

• GIEO MẦM HI VỌNG

A:1, b:12, c:14, d:145… Văn Minh Nguyễn, cậu bé khiếm thị 8 tuổi, tự tin, dõng dạc đọc ký hiệu để viết chữ nổi Braille. 

“Đây là chữ gì?” - Giọng Soeur Dung nhẹ nhàng hỏi. 

“Dạ là Đà Lạt, thứ Ba, ngày 12/3” - Từng ngón tay nhỏ lướt nhẹ trên những ký tự nổi, Nguyễn trả lời thật to rồi nở nụ cười rạng rỡ. 
Từ khi mới sinh ra, thị lực của Nguyễn đã kém và dần mất đi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, 4 tuổi, Nguyễn được bố mẹ và bà đưa đến Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt để nhờ các Soeur nuôi dưỡng. Khuôn mặt nhỏ với nụ cười sáng bừng, Nguyễn khoe ở đây rất vui, được các “dì” yêu thương, được cùng các bạn ca hát, học tập và vui chơi. Mặc dù không may mắn được nhìn thấy thế giới đầy màu sắc, nhưng tại Mái ấm, Nguyễn được học chữ và được bù đắp tình yêu thương. “Con thương dì Dung lắm”, Nguyễn nói rồi cười thật tươi. Soeur Dung mỉm cười hiền hậu, dịu dàng xoa đầu Nguyễn. 

Gần nửa cuộc đời gắn bó với trẻ khiếm thị, Soeur Nguyễn Thị Đức Dung, 68 tuổi, đã trở thành “người mẹ thứ hai” của các em tại Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt. Từ khi còn là nữ tu trẻ ở TP Hồ Chí Minh, Soeur Dung đã đồng hành cùng trẻ khiếm thị. Năm 2018, Soeur Dung về Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt, tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình. Cùng với các Soeur khác, Soeur Dung đã dành trọn vẹn tình yêu thương để chăm sóc, nuôi dạy hơn 20 trẻ em khiếm thị tại đây. 

Hơn 20 em nhỏ ở Mái ấm, nhỏ nhất là 5 tuổi, lớn nhất là 15 tuổi, mỗi em đều có hoàn cảnh riêng. Nhiều em xuất thân từ gia đình khó khăn, bố mẹ ly dị, hay bị bỏ rơi vì khiếm khuyết, bệnh tật. Soeur Dung và các Soeur khác luôn kề cạnh, động viên, an ủi, bù đắp cho các em tình thương gia đình. Họ không chỉ dạy các em học chữ nổi Braille, mà còn dạy các em kỹ năng sống, giúp các em hòa nhập với cộng đồng. “Như những cánh chim lạc bầy trơ trọi, các Soeur không muốn các con đơn độc trên hành trình vốn dĩ đã quá gian nan. Chính vì vậy, các Soeur luôn kề cạnh, chăm sóc các em như con cháu của mình”, Soeur Dung chia sẻ. 

Nhìn các em đang lần mò viết chữ với ánh mắt ân cần, Soeur Dung nói tiếp: “Vì không nhìn thấy đường, nên nhiều em khi mới đến đây đều bỡ ngỡ và lo sợ. Có em thì tự kỷ, nép mình một góc, tự ti, mặc cảm vì khiếm khuyết của bản thân. Có em lại bị tăng động quá mức. Càng hiểu về hoàn cảnh và những thiệt thòi mà các em đã trải qua, các Soeur lại càng thương những đứa trẻ này hơn. Do đó mà tình yêu thương và sự kiên nhẫn là điều mà các Soeur dành cho các em nhiều nhất”. 

• NẢY MẦM VƯƠN LÊN TỪ TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ NGHỊ LỰC

Tình yêu thương và sự kiên nhẫn là chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của những đứa trẻ khiếm thị. Soeur Dung cùng các Soeur Hoa, Soeur Nhung, Soeur Hạ, Soeur Ngơi là những người thầy, người mẹ thứ hai, luôn sát cánh, đồng hành cùng các em. Không chỉ kiên nhẫn trò chuyện, động viên, khích lệ, giúp các em hòa nhập với môi trường mới, các Soeur còn dạy các em học chữ nổi Braille, kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, kỹ năng sống và hướng dẫn các em tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Đến tuổi đi học, Soeur Dung cho các em đến trường như bao bạn cùng trang lứa. Với những bài học khó, Soeur kiên nhẫn dịch ra chữ nổi và giảng lại cho các em. Khi học về sự vật xung quanh, Soeur không chỉ miêu tả mà còn cho các em trực tiếp cầm nắm để cảm nhận rõ ràng hơn. Vào cuối tuần, các em được học hát, học đàn, thổi tiêu, thổi sáo… tùy theo năng khiếu của mỗi người. Với những bạn lớn tuổi hơn, Soeur Dung tạo điều kiện cho học nghề và tìm việc làm ổn định. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Soeur Dung và các Soeur, các em khiếm thị không chỉ được học tập mà còn được phát triển các kỹ năng sống cần thiết để tự tin hòa nhập với cộng đồng. 

Dạy cho trẻ vốn dĩ đã vất vả, nhưng dạy cho nhiều trẻ khiếm thị, trẻ bị tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Nhưng Soeur Dung cùng các Soeur ở đây vẫn luôn tận tình chăm sóc bằng tất cả yêu thương. Nhờ sự yêu thương và nỗ lực ấy, những “mầm xanh” ngày nào đã dần lớn lên, trưởng thành và tự tin khẳng định bản thân. Soeur Dung không giấu được niềm tự hào khi kể về những “đứa con” của mình. Về chuyện cậu học trò khiếm thị học lên đến thạc sĩ rồi quay trở về dạy học cho các em ở Mái ấm. Chuyện cô học trò nhỏ giỏi giang, hát hay, có thể sáng tác nhạc. Nhiều bạn nay đã có gia đình, việc làm ổn định. “Nhìn thấy các con trưởng thành, có thể tự đứng trên đôi chân của mình, chính là món quà quý giá, hạnh phúc nhất đối với các Soeur”, Soeur Dung cười. 

Hơn 18 năm qua, Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt đã trở thành “ngôi nhà hi vọng” cho những mảnh đời khiếm khuyết. Nơi đây không chỉ che chở, mà còn gieo mầm cho những ước mơ, tiếp thêm sức mạnh cho những “mầm xanh” khiếm thị tự tin khẳng định bản thân. Nhìn vào nụ cười rạng rỡ của Nguyễn, hay những “đứa con” thành đạt của Soeur Dung, tôi tin rằng, dù không có ánh sáng, các em vẫn có thể tự vẽ nên bức tranh cuộc đời rực rỡ của riêng mình.

https://baolamdong.vn/

Lượt xem: 231
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002411183
  •  Đang online: 157
  •  Trong tuần: 18.353
  •  Trong tháng: 87.457
  •  Trong năm: 1.049.468