Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn của tỉnh; song, sau hơn 10 năm nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp xóa nghèo của tỉnh Lâm Đồng và thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đến nay Đam Rông đổi thay vượt bậc; trong đó công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh giữ vai trò quyết định...
Cơ sở hạ tầng ở Đam Rông ngày càng hoàn thiện. Ảnh: N.Ngà
Sự nỗ lực của Đảng bộ các cấp
Huyện Đam Rông được thành lập ngày 30/12/2004 (trên cơ sở sáp nhập 5 xã phía Bắc của huyện Lâm Hà và 3 xã của huyện Lạc Dương); diện tích đất tự nhiên 89.220 ha. Thời điểm mới thành lập có 48 thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; dân số toàn huyện 30.633 người, với 14 dân tộc sinh sống; chủ yếu là đồng bào DTTS gốc địa phương; hộ nghèo toàn huyện chiếm trên 70%...
Trước khi có Chương trình 30a và các chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội huyện Đam Rông hết sức khó khăn: cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân thiếu thốn, bất cập; trình độ dân trí thấp cùng với điều kiện canh tác, sản xuất lạc hậu; đội ngũ cán bộ chủ yếu được tăng cường từ nhiều nguồn, nhiều địa phương, vừa thiếu, vừa không đồng bộ, đa số lại chưa am hiểu tình hình thực tế của địa phương; điều kiện công tác và sinh hoạt thiếu thốn...
Cùng với những khó khăn “hiện hữu” này, tình trạng người dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào đây đã chiếm dụng một số vùng rừng tại các xã để cư trú, khai thác đất rừng và lâm sản trái phép, gây nhiều áp lực, khó khăn cho các cấp chính quyền địa phương.
Để tháo gỡ khó khăn, bất cập, đưa địa phương này từng bước phát triển, công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, nhất là xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp thực sự vững mạnh được Tỉnh ủy, Huyện ủy Đam Rông xác định. Trong đó, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở (TCCS) đảng tại các thôn, các xã và công tác phát triển đảng viên trong vùng dân tộc, người DTTS tại chỗ là nhiệm vụ quan trọng, quyết định. Bởi đây là tiền đề, nền tảng, hạt nhân chính trị sẽ góp phần trực tiếp, đắc lực trong việc phát triển toàn diện huyện nghèo Đam Rông.
Nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị được tập trung thực hiện ở Đam Rông. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tích cực cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy như: Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) và Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/5/2003 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Công tác dân tộc”; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường đổi mới công tác dân vận trong vùng DTTS”.
Huyện ủy Đam Rông đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch… về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội; phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, sát thực nhất là Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 18/4/2007 về “Xây dựng hệ thống chính trị ở xã, thôn trong huyện”; Kế hoạch số 10-KH/HU, ngày 1/6/2011 về thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 19/4/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Nâng cao chất lượng TCCS đảng và đảng viên nhiệm kỳ 2010 - 2015; Nghị quyết chuyên đề 03-NQ/HU, ngày 14/1/2016 về “Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh bền vững”...
Những thành tựu vượt bậc
Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; tinh thần nỗ lực “vượt khó” của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân toàn huyện, đến nay, diện mạo Đam Rông có nhiều đổi thay. Toàn huyện Đam Rông hiện có 12.947 hộ/54.667 nhân khẩu, có 20 dân tộc anh em sinh sống; trong đó có 9.076 hộ DTTS với 39.441 nhân khẩu; tỷ lệ DTTS chiếm 74% dân số toàn huyện.
Đời sống kinh tế, văn hóa, hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình công cộng, nhà ở của Nhân dân… được nâng cấp, xây dựng kiên cố, khang trang thoáng rộng; tỷ lệ hộ nghèo từ trên 70% đã giảm đáng kể (chỉ còn 27,47%); 8/8 xã đã có đường nhựa, đạt chuẩn về y tế theo tiêu chí quốc gia; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 78% cơ quan, đơn vị, 87,5% thôn và 77% hộ gia đình đạt văn hóa; mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng/năm (2005) đến nay nâng lên gần 10 lần...
Đặc biệt, dự án định canh định cư được UBND tỉnh phê duyệt đã bố trí 4 điểm (3 điểm tập trung và 1 điểm xen ghép) định canh định cư, đã giải quyết 452 hộ/2.428 nhân khẩu người Mông định cư và canh tác ổn định, giải quyết tình trạng du canh du cư, phá rừng gây bức xúc như trước đây; đã có một số điểm định cư, Nhân dân vươn lên xóa nghèo, phát triển khá tốt, đạt danh hiệu Thôn văn hóa (Thôn 5 - xã Rô Men)...
Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến. Khi mới thành lập, Đảng bộ huyện Đam Rông chỉ có 7 đảng bộ cơ sở (xã Rô Men mới có chi bộ xã), 26 TCCS đảng với 445 đảng viên; trong đó có 163 đảng viên người DTTS (chiếm 36,6%); toàn huyện có 7 thôn, các trường học, trạm y tế trắng đảng viên và chưa có TCCS đảng; hoạt động các chi bộ, chất lượng đảng viên khi đó còn nhiều khó khăn, hạn chế…
Đến nay, sau 13 năm xây dựng và phát triển, công tác xây dựng Đảng, nhất là trong vùng DTTS đã có bước tiến khá dài. Đảng bộ huyện Đam Rông hiện có 33 tổ chức đảng (13 đảng bộ cơ sở, với 137 chi bộ) và 21 chi bộ trực thuộc Huyện ủy, với 1.719 đảng viên; trong đó, có 530 đảng viên người DTTS (chiếm 33,95%); đến nay, 56/56 thôn và 100% cơ quan, đơn vị trong toàn huyện đã có TCCS đảng.
Để có được những con số hết sức ấn tượng này, hơn 10 năm qua, cùng với xây dựng, nâng cao chất lượng TCCS đảng, chất lượng đảng viên, công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới được quan tâm đặc biệt. Trung bình mỗi năm, có hơn 100 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng; từ năm 2005 đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp 1.116 đảng viên mới; trong đó có 367 đảng viên người DTTS.
Công tác kiểm tra, giám sát TCCS đảng và đảng viên thường xuyên được tăng cường. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức nhiều lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị; bồi dưỡng, tập huấn năng lực lãnh đạo, kỹ năng công tác, trình độ vi tính, ngoại ngữ, dạy tiếng DTTS... cho hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức… Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất đáng trân trọng của Đam Rông đạt được trong 13 năm qua...
THANH HỒNG - baolamdong.vn