Việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) đủ về số lượng, cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là một trong những yếu tố “then chốt” góp phần thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS nói riêng và toàn diện huyện Đam Rông nói chung.
Trong những năm qua, huyện Đam Rông quan tâm, chăm lo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS. Ảnh: Đinh Mai
Đam Rông là địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống với 38.202 người, chiếm 65,07% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, huyện Đam Rông quan tâm, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ người DTTS.
Thông tin từ UBND huyện Đam Rông, việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được huyện thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2020 đến nay, địa phương này đã tổ chức tuyển dụng 22 công chức, viên chức người DTTS vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp và các xã trên địa bàn huyện.
Tính đến hết tháng 8/2024, địa phương có 332 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 28,89% so với tổng số biên chế toàn huyện; tăng 8,89% so với đầu năm 2020.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được bầu cử, bổ nhiệm, phê chuẩn gồm: 2 đồng chí là lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; 5 đồng chí là lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc huyện và tương đương và 37 cán bộ cấp xã. Công tác bầu cử, phê chuẩn được thực hiện theo đúng quy định.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 cán bộ nữ người DTTS từ cấp huyện đến cấp xã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện ban thường vụ quản lý là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ của huyện.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người đồng bào DTTS được chú trọng cả trước mắt và lâu dài. Trong đó ưu tiên lựa chọn những cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới để bố trí sử dụng, đưa đi đào tạo và quy hoạch giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 8/2024 có 251 công chức, viên chức người DTTS được cử đi đào tạo bồi dưỡng. Nội dung tập trung về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, quản lý nhà nước và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn nhằm đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Đam Rông, đội ngũ cán bộ chủ chốt người DTTS sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy được năng lực bản thân trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương, đơn vị. Nhiều đồng chí đã được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đảm bảo quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Công tác quy hoạch cán bộ người DTTS đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ và cơ cấu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS có chất lượng.
Song bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS hiện nay trên địa bàn huyện Đam Rông. Trong đó quan trọng nhất là việc năng lực công tác của đội ngũ cán bộ người DTTS chưa đồng đều, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ người DTTS giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện còn ít; một số cơ quan, đơn vị chưa có cán bộ, công chức người DTTS…
Có nhiều lý do đối với những vấn đề đang đặt ra. Trong đó mấu chốt là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, chưa tích cực quan tâm tạo nguồn lực lượng cán bộ này. Và một bộ phận cán bộ người DTTS còn thụ động, chưa chịu khó trong việc tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ.
Cán bộ người DTTS sẽ có ưu thế hơn trong việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con. Bởi hơn ai hết, cán bộ người DTTS biết tiếng, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Từ đó, cán bộ mới hiểu được bà con có khó khăn gì, cần hỗ trợ như thế nào… Đội ngũ cán bộ người DTTS chính là sợi dây liên kết; là người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con; là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS đủ về số lượng, cao về chất lượng vẫn luôn là nhiệm vụ đặt ra cho huyện Đam Rông.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của huyện đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện đến năm 2025 tối thiểu là 30% tổng biên chế được giao. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là người DTTS trong cơ quan, đơn vị tự nghiên cứu, học tập tham gia vào các lớp, chương trình đào tạo sau đại học nhằm trang bị kiến thức chuyên môn phục vụ công tác, nghề nghiệp. Đồng thời, đảm bảo triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
https://baolamdong.vn/