Ngày 29/10, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với huyện Đam Rông về tình hình nuôi cá nước lạnh, công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi và khoáng sản trên địa bàn huyện. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Về phía huyện Đam Rông có đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Trương Hữu Đồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình nuôi cá tầm tại xã Rô Men
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo huyện Đam Rông, cho biết, qua rà soát trên địa bàn huyện có 14,3 ha mặt nước nuôi cá tầm với 82 cơ sở nuôi, trong đó có 15 cơ sở nuôi được đăng ký, cấp phép khai thác mặt nước; các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ, lưu lượng nước sử dụng ít nên không đăng ký cấp phép khai thác mặt nước. Diện tích nuôi cá tầm chủ yếu tập trung ở các xã Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ M’rông và Đạ Tông, mật độ nuôi trung bình từ 1.000 đến 1.200 con/1002 mặt nước, năng suất cá tầm trung bình đạt từ 90 tấn trên 10.000 m2 mặt nước, sản lượng trung bình đạt 1.200 tấn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với hộ nuôi cá tầm, xã Rô Men
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông có 82 công trình thủy lợi, trong đó 10 công trình hồ chứa, dung tích dưới 3 triệu m3; 24 đập dâng kiên cố và 48 công trình là đập tạm. Trong số 82 công trình thủy lợi, có 81 công trình được UBND huyện giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng quản lý; 1 công trình Hồ chứa nước Đạ Chao, xã Đạ R’sal phục vụ nước tưới cho 520 ha cây trồng do Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý. Nhìn chung các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng, nhất là trong thời điểm mùa khô hằng năm. Đến nay, các công trình vẫn đang hoạt động bình thường, các hồ chứa đã tích đủ nước phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Đam Rông
Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã được huyện Đam Rông triển khai chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Toàn huyện có 24 khu vực, điểm mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Đến nay, có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó 1 doanh nghiệp khai thác đá, 3 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi xây dựng. Ngoài ra, huyện Đam Rông đã phối hợp với các huyện giáp ranh như: huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông; huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan về về khoáng sản, cấp phép thăm dò/ khai thác cát lòng sông; phối hợp ngăn chặn giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không có giấy phép theo các quy chế phối hợp đã ký kết giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk; giữa huyện Đam Rông với các huyện giáp ranh.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy Đam Rông phát biểu tại hội nghị
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đam Rông đã kiến nghị với đoàn công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng về các nội dung như: Hướng dẫn địa phương trong công tác quản lý đối với hoạt động nuôi cá tầm, vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế, vừa thực hiện đúng quy định Luật đất đai, Luật tài nguyên; Quyết toán nguồn vốn thuộc Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã liêng S’rônh, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng; Cần xem xét cho chủ trương lập quy hoạch chi tiết và bố trí vốn tiếp tục đầu tư thực hiện giai đoạn 2 dự án đập thủy lợi Bằng Lăng, gồm xây dựng đập tràn phía trên lòng hồ để cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước và mở rộng lòng hồ, đầu tư hạng mục bờ kè, đường quanh hồ để phát triển Du lịch.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận những kiến nghị của huyện Đam Rông; Đồng thời, giao cho các Sở, ngành của tỉnh phối hợp với huyện Đam Rông khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nước phục vụ cho việc nuôi cá nước lạnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu trước mắt không mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh, tạo điều kiện cho các hộ đủ điều kiện tiếp tục nuôi cá tầm để phát triển kinh tế; Tiếp tục khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên cơ sở phải đảm bảo các điều kiện cách khu dân cư, xa nguồn nước; Thực hiện các giải pháp để tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án xây dựng bến xe từ nguồn vốn xã hội hóa; Thống nhất với chủ trương của huyện Đam Rông về xây dựng Đề án phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phi Liêng và Đạ K’nàng./
Ban Tuyên giáo Huyện ủy