.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040 In trang
29/01/2024 08:52 SA

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 1929 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040. Theo đó, có những nội dung mới đáng chú ý để phát triển địa phương ở vùng cửa ngõ phía Bắc của tỉnh trong tương lai.

Một góc trung tâm huyện Đam Rông
Một góc trung tâm huyện Đam Rông

 

Theo Quyết định trên, phạm vi lập quy hoạch toàn bộ ranh giới huyện Đam Rông bao gồm 8 xã (Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Đạ Rsal, Rô Men, Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long) với tổng diện tích 57.287 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2025 đạt khoảng 59.400 người, trong đó dân số đô thị khoảng 13.600 người, dân số nông thôn khoảng 45.800 người và đến năm 2040 đạt khoảng 77.100 người.

Đam Rông là vùng cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, việc quy hoạch xây dựng vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả sức lan tỏa của Quốc lộ 27 và các đường tỉnh 722, 722B, 722C, 724, 726, cao tốc CT.26 (Liên Khương - Buôn Ma Thuột) phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, canh nông, du lịch thể thao, thuộc tuyến du lịch phía Tây TP Đà Lạt, vùng kinh tế động lực, vùng đệm giữa tiểu vùng và tiểu vùng III của tỉnh Lâm Đồng, tiếp giáp giữa TP Đà Lạt với tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Vùng nông nghiệp với định hướng phát triển cây lương thực, dâu tằm, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, bò thịt cao sản, chăn nuôi heo công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thông minh, chất lượng cao. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, công nghiệp khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng…

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông nhằm mục tiêu phát triển vùng: Đến năm 2040, ngành nông - lâm - thủy chiếm 34,0%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 21,2% và dịch vụ chiếm 44,8%. Về đô thị hóa, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 22,9% (gồm 2 đô thị loại V) và đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,1% (gồm 3 đô thị loại V).

Về định hướng phát triển không gian vùng huyện Đam Rông được phân thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng I gồm Đô thị Bằng Lăng (Rô Men), Đạ Rsal và Liêng S'rônh có diện tích 45.037 ha. Đây là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, đô thị - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh; vùng phát triển kinh tế động lực của huyện. Tiểu vùng II gồm xã Đạ K’nàng và Phi Liêng có diện tích khoảng 17.255 ha, trung tâm tiểu vùng là xã Phi Liêng. Tiểu vùng III gồm các xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long có diện tích khoảng 24.965 ha. 

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông theo định hướng hệ thống các đô thị gồm: Đô thị trung tâm Bằng Lăng (Rô Men), Đô thị Đạ Rsal và Đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng)…

Về định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn, từ nay đến năm 2040, huyện Đam Rông tiếp tục đầu tư nâng cấp, chỉnh trang các điểm dân cư hiện trạng trên địa bàn các xã; chỉnh trang và bổ sung các điểm dân cư theo chương trình sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, phát triển mới 5 điểm dân cư nông thôn tại các xã Đạ Tông, Đạ Long, Phi Liêng, Đạ K’nàng, Liêng S'rônh. 

Định hướng công nghiệp: Phát triển công nghiệp nhẹ, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với công nghệ tiên tiến, chuyên ngành, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị hàng hóa dựa vào tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ (như: Lúa, rau, củ quả, cà phê, cây ăn trái, dâu tằm, sản phẩm từ lâm nghiệp…), giao thông kết nối liên vùng (như: Tuyến cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 27, tỉnh lộ 722, 722B, 722C, 724, 726) và ngành nghề truyền thống. Định hướng phát triển cụm công nghiệp quy mô khoảng 31 ha tại xã Liêng S'rônh. 

Trong định hướng phát triển du lịch, huyện quan tâm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe, du lịch canh nông, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với du lịch vùng cảnh quan sông Krông Nô; các khu, điểm du lịch gắn với hệ sinh thái cảnh quan rừng, hệ thống hồ (như: hồ Đạ Chao, hồ Đắk Mê, hồ Đạ Nòng, hồ Phi Liêng, hồ Lăng Tô Đạ K’nàng…), hệ thống thác (Bảy Tầng, Tiêng Tang…), hệ thống suối nước nóng (Đạ Long, Đạ Tông) và các ngành nghề truyền thống. 

Định hướng các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung: Phát triển ổn định diện tích cà phê (tại các xã Đạ Rsal, Rô Men, Liêng S'rônh), chuyển đổi và thâm canh cây cà phê (tại các xã Đạ K’nàng, Phi Liêng); thâm canh lúa (tại các xã Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long); phát triển diện tích trồng rau, hoa thương phẩm, mắc ca, chuối, dâu tằm (tại các xã Phi Liêng, Đạ K’nàng). Bên cạnh đó, phát triển vùng chăn nuôi bò (tại các xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long, Phi Liêng, Đạ K’nàng); cá nước lạnh (tại các xã Rô Men, Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Liêng S'rônh); khu chăn nuôi tập trung gia súc theo mô hình trang trại tại các xã Liêng S'rônh, Đạ M’rông). Quy hoạch khu giết mổ và chế biến tập trung tại xã Đạ Rsal, Đạ Tông (phục vụ 3 xã Đạ M’rông, Đạ Long, Đạ Tông); xã Phi liêng (phục vụ 2 xã Đạ K’nàng và Phi Liêng) và xã Rô Men (phục vụ 2 xã Liêng S'rônh và Rô Men). Đồng thời, quản lý và duy trì 22.976 ha rừng phòng hộ, 33.267 ha rừng sản xuất và 1.079 ha rừng đặc dụng. 

Ngoài ra, định hướng xây dựng phát triển hạ tầng xã hội và dịch vụ như: Nâng cấp, mở rộng các cơ sở giáo dục, y tế; đầu tư các công trình văn hóa - thể dục, thể thao quy mô cấp vùng tại Bằng Lăng, phát triển mạng lưới văn hóa - thể dục, thể thao tại khu đô thị Đạ Rsal và các xã; nâng cấp chợ Đạ Rsal thành chợ đầu mối của huyện, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư mới 1 trung tâm thương mại hạng 2 (tại trung tâm Bằng Lăng), đồng thời xây dựng 8 trung tâm hỗ trợ dịch vụ phát triển kinh tế nông thôn ở 8 xã. Riêng về định hướng phát triển hệ thống kỹ thuật, có đường cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột (CT.26); Quốc lộ 27, theo tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III miền núi; Đường tỉnh ĐT.722, ĐT.722B, ĐT.722C, ĐT.726, ĐT.724 theo tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và cấp III miền núi; Đường huyện ĐH43 (xã Liêng S'rônh), ĐH45 (từ xã Rô Men đi Đạ Rsal), ĐH46 (xã Phi Liêng), ĐH47 (xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long), tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; Đường kết nối sản xuất du lịch được quy hoạch tuyến kết nối từ xã Đạ Long đi hồ thủy điện Krông Nô 3, đường kết nối du lịch từ trung tâm đi hồ Bóp La - thác Bảy Tầng (xã Phi Liêng); Nút cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột được kết nối với đường kết nối khu đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng), kết nối với tỉnh lộ 722B (phía Đông đô thị Bằng Lăng), kết nối với tỉnh lộ 722C (phía Đông đô thị Đạ RSal). 

Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông: Toàn huyện sẽ được quy hoạch 3 bến xe, theo đó đến năm 2040, bến xe tại trung tâm đô thị Bằng Lăng sẽ đạt tiêu chuẩn bến xe loại II; tại đô thị Đạ Rsal, sau năm 2040 khi đô thị Đạ Rsal đạt tiêu chí đô thị loại IV, sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn bến xe loại II và tại xã Đạ Long (đến năm 2040) đạt tiêu chuẩn bến xe loại VI…

https://baolamdong.vn/

 

Lượt xem: 491
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002419611
  •  Đang online: 62
  •  Trong tuần: 26.781
  •  Trong tháng: 95.885
  •  Trong năm: 1.057.896