.
Mặt trận Tổ quốc huyện Đam Rông: Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững In trang
10/05/2023 07:54 SA

Đam Rông là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng có 8 đơn vị hành chính xã với 53 thôn; dân số 56.734 người, trong đó 36.919 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 65%. Huyện có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, thành phần dân tộc, trình độ sản xuất của người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh; việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, khả năng tự đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế… Do điều kiện tự nhiên đa số là đồi núi, ít mưa, nhiều nắng, nên dù có tiềm năng để phát triển nhưng kinh tế huyện vẫn còn nhiều khó khăn từ đó làm ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của địa phương.

Trao sinh kế cho hộ dân xã Đạ M'Rông
Trao sinh kế cho hộ dân xã Đạ M'Rông

Trước những khó khăn đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện  đã tập trung tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và có sự chung tay hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội; ngoài ra, thường xuyên đề xuất tỉnh, huyện cho phép sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc huyện đã xây dựng những mô hình sinh kế cụ thể hỗ trợ về con giống, trang bị kiến thức sản xuất cho người dân. Từ sự tiếp sức của Mặt trận các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam huyện từ  năm 2022 đến tháng 4/2023:

Mô hình sinh kế chăn nuôi heo cho hộ dân
Mô hình sinh kế chăn nuôi heo cho hộ dân

- Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất trên địa bàn huyện là 12.958,5 triệu đồng hỗ trợ cho 1.895 hộ là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng khác trên địa bàn huyện. Các nội dung đầu tư gồm: 44 mô hình trồng dâu nuôi tằm; 62 mô hình chăn nuôi tằm (trong đó có 15 mô hình chăn nuôi tằm công nghệ mới); 5 mô hình kinh tế vườn hộ; 27 Mô hình trồng cây ăn trái (mít, sầu riêng, mắc ca, dứa); 52 mô hình chăn nuôi (bò LaiSind, dê Boer, gà); 04 mô hình ghép cải tạo cây cà phê kém hiệu quả; 89 mô hình hỗ trợ giống lúa.... các chương trình dự án đã phân bổ và giải ngân về 8/8 xã trên địa bàn huyện.

- Theo Quyết định số 117/QĐ-BVĐ ngày 21/10/2022 của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Lâm Đồng về việc phân bổ 4 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh cho Quỹ “Vì người nghèo” huyện và Kế hoạch số 202/KH-UBND, ngày 24/11/2022 về triển khai hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với 270 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 04 xã: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Liêng Srônh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện triển khai các hạng mục của Đề án; đến nay, huyện đã triển khai thực hiện xong các hạng mục hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm cho 38 hộ (trong đó Đạ Tông 21 hộ, Đạ M’Rông 9 hô và Liêng Srônh 8 hộ), xây dựng chuồng heo cho 44 hộ (tại xã Đạ Long) và hỗ trợ heo đen cho 68 hộ (trong đó xã Đạ M’rông: 39 hộ; xã Đạ Tông 29 hộ); kinh phí sử dụng đúng đối tượng, hạng mục.

Có thể nói, việc thực hiện hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đã góp phần tạo sinh kế, giúp bà con nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch từ việc họp xét hộ thụ hưởng đến lựa chọn nội dung đầu tư. Từ đó, người dân nhận thức rõ hơn về chủ trương trương đúng đắn của Đảng, chính sách của nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn nhất định đó là: Công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên; đối với hỗ trợ sinh kế nuôi heo đen do diều kiện thời tiết và một số người dân chưa ý thức được việc chăm sóc, vệ sinh chuồng trại dẫn đến heo bị bệnh và chết; một số đối tượng thụ hưởng thiếu trách nhiệm, chưa thực sự có ý thức phấn đấu tự vươn lên để thoát nghèo, nhiều hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững, huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo theo phương châm “ lấy sức dân để lo cho dân”, hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo dưới hình thức hỗ trợ cho hộ nghèo vay không tính lãi, đồng thời hướng dẫn cho hộ nghèo về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai, đảm bảo hoàn thành các hạng mục hỗ trợ sinh kế từ nguồn “Quỹ Vì người nghèo” của tỉnh đảm bảo theo kế hoạch đề ra... thiết thực tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động./.

                                                                     Văn Cương

Lượt xem: 129
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001621973
  •  Đang online: 30
  •  Trong tuần: 30
  •  Trong tháng: 94.617
  •  Trong năm: 260.258