Chiều 08/1/2024, UBND huyện Đam tổ chức Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông đến năm 2040. Tham dự có đồng chí Lê Quang Trung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng; đồng chí Nguyễn Văn Lộc – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện và lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện…
.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Hữu Đồng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Đồ án Quy hoạch vùng huyện Đam Rông được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của huyện nhà; là bước thể chế, khái quát hóa về tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn huyện và từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong huyện; là tiền đề, cơ sở quan trọng để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu đưa Đam Rông phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc văn hoá và hạnh phúc” và về đích nông thôn mới vào năm 2025. Đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư các dự án trọng điểm như: Xây dựng sân Golf, làng đô thị xanh ven hồ và du lịch sinh thái rừng trên địa bàn xã Đạ Tông; khu dân cư xã Đạ Tông, Đạ R’sal, Phi Liêng; Bến xe Trung tâm huyện; Trung tâm dịch vụ thương mại – Tín dụng – Ngân hàng và vui chơi giải trí Bằng Lăng; xây dựng, quản lý và khai thác chợ trung tâm huyện; khu du lịch sinh thái và làng đô thị xanh hồ Đạ Chao xã Đạ Rsal; Trạm dừng chân và khu dân cư Bằng Lăng; Cụm công nghiệp Liêng Srônh; dự án Khu du lịch sinh thái thác Bảy tầng xã Phi Liêng; Khu du lịch sinh thái rừng, hồ xã Phi Liêng; dự án dân cư sinh thái hồ Lăng Tô xã Đạ K’Nàng.
{image =2}
Theo Quyết định trên, phạm vi lập quy hoạch toàn bộ ranh giới huyện Đam Rông bao gồm 8 xã (Đạ K’Nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Đạ Rsal, Rô Men, Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long) với tổng diện tích 87.287 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2025 đạt khoảng 59.400 người, trong đó dân số đô thị khoảng 13.600 người, dân số nông thôn khoảng 45.800 người và đến năm 2040 đạt khoảng 77.100 người.
Đam Rông là vùng cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, việc quy hoạch xây dựng vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả sức lan tỏa của Quốc lộ 27 và các đường tỉnh 722, 722B, 722C, 724, 726, cao tốc CT.26 (Liên Khương – Buôn Ma Thuột) phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, canh nông, du lịch thể thao, thuộc tuyến du lịch phía tây TP.Đà Lạt, vùng kinh tế động lực, vùng đệm giữa tiểu vùng và tiểu vùng III của tỉnh Lâm Đồng, tiếp giáp giữa TP.Đà Lạt với tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Vùng nông nghiệp với định hướng phát triển cây lương thực, dâu tằm, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, bò thịt cao sản, chăn nuôi heo công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thông minh, chất lượng cao. Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, công nghiệp khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng…
Mục tiêu phát triển vùng huyện Đam Rông đặt trong tổng thể phát triển chung của vùng tỉnh Lâm Đồng trong mối liên hệ liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ. Phát triển bền vững, hài hòa về kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ sinh môi trường. Phát triển không gian vùng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tích hợp phát triển các ngành, khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên thiên nhiên đặc trưng cho khu vực. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng. Xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ kết nối với các đầu mối hạ tầng kỹ thuật vùng lân cận, vùng tỉnh, vùng quốc gia.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông nhằm mục tiêu phát triển vùng đến năm 2040, ngành nông, lâm thủy, chiếm 34,0%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 21,2% và dịch vụ chiếm 44,8%. Về đô thị hóa, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 22,9% (gồm 2 đô thị loại V) và đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,1% (gồm 3 đô thị loại V).
Về định hướng phát triển không gian vùng huyện Đam Rông được phân thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng I gồm Đô thị Bằng Lăng (Rô Men), Đạ Rsal và Liêng Srônh có diện tích 45.037ha. Là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, đô thị - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp – du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh; vùng phát triển kinh tế động lực của huyện Đam Rông. Trung tâm của vùng huyện có mật độ dân số cao, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có các tuyến giao thông kết nối vùng như: Tuyến cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột (CT.26); tuyến Quốc lộ 27, 722, 722B, 722C và các đường tỉnh 724, 726 thuận lợi phát triển hệ thống đô thị. Trung tâm tiểu vùng là đô thị Bằng Lăng. Tiểu vùng II gồm xã Đạ K’Nàng và Phi Liêng có diện tích khoảng 17.255 ha, trung tâm tiểu vùng là xã Phi Liêng. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái, canh nông. Có tiềm năng phát triển các điểm du lịch, các tuyến giao thông kết nối vùng thuận lợi phát triển hệ thống đô thị. Tiểu vùng III gồm các xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long có diện tích khoảng 24.965 ha. Là vùng phát triển văn hóa bản địa, du lịch sinh thái cảnh quan rừng, sông, hồ, thác; du lịch sinh thái phức hợp nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe, thể thao; vùng phát triển tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, làng nghề. Đây là vùng có quỹ đất nông nghiệp lớn, hệ thống suối nước nóng, rừng tự nhiên lớn, có các tuyến giao thông kết nối vùng; vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống, thuận lợi phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Trung tâm tiểu vùng là xã Đạ Tông.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông theo định hướng hệ thống các đô thị gồm: Đô thị trung tâm Bằng Lăng (Rô Men), Đô thị Đạ Rsal và Đô thị hỗn hợp (xã Phi Liêng). Ngoài ra, còn có các định hướng về phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp, du lịch, vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng và dịch vụ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật
https://damrong.lamdong.gov.vn/