Huyện Đam Rông là huyện vùng núi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích tự nhiên 872,57 km2, trong đó phần lớn là đất lâm nghiệp với 67.225 ha (chiếm 77%); huyện có 08 đơn vị hành chính cấp xã với 53 thôn. Dân số toàn huyện là trên 56.734 người (có tổng số 30 dân tộc anh em chung sống; trong đó dân tộc thiểu số chiếm 65,07%); GDP bình quân đầu người ước khoảng 70 triệu đồng/người.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm còn 11,63% (1.701 hộ), trong đó: hộ nghèo 624 hộ, tỷ lệ 4,27%, hộ nghèo đồng bào DTTS 579 hộ, tỷ lệ 6,8% so với số hộ DTTS trên địa bàn huyện; hộ cận nghèo 1.077 hộ, tỷ lệ 7,36%, hộ cận nghèo đồng bào DTTS 962 hộ, tỷ lệ 11,30% so với số hộ DTTS trên địa bàn huyện.
lop-day-nghe-xay-op-va-lat-gach-da.jpg
Huyện có cơ cấu dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động 37.658 người (cụ thể: hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản: 28.462 người, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: 5.605 người, lĩnh vực thương mại dịch vụ: 3.591 người), trong đó lực lượng thanh niên (16-30 tuổi) có 15.000 người, chiếm tỷ lệ 25,12% dân số toàn huyện. Hiện có khoảng 2.158 thanh niên đang theo học THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học.. và 12.842 thanh niên đang tham gia thị trường lao động. Lao động có bằng cấp chứng chỉ 18 %.
khai-giang-lop-day-nghe-sua-chua-may-nong-nghiep.jpg
Kết quả thực hiện: Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 83-CTr/TU, ngày 13/8/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TW đến toàn thể cán bộ chủ chốt toàn huyện; đồng thời, ban hành các văn bản, kế hoạch để tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW đến đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao, ý thức trách nhiệm, huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn bộ xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Xác định đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện; Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạoUBND huyện ban hành các kế hoạch triển khai. Đồng thời, lồng ghép các nội dung về triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động tay nghề cao trong các chương trình, dự án có liên quan để triển khai trên địa bàn huyện.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, bước đầu đã đạt được những kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chương trình hành động số 83-CTr/TU, ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án đào tạo nghề kỹ thuật chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đến cuối năm 2023 đạt được một số chỉ tiêu như sau: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 18% các học viên sau khi được đào tạo, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định chiếm khoảng 70% trở lên.
cac-hoc-vien-lop-hoc-nghe-sua-chua-may-co-gioi.jpg
Trong 10 năm qua (từ năm 2014 - 2023), đã phối hợp tuyển sinh và tổ chức đào tạo được 121 lớp/2.765 học viên, tập trung vào các nghề đào tạo như: trồng chăm sóc cà phê: 23 lớp/682 học viên; chăn nuôi bò: 7 lớp/193 học viên; chăn nuôi lợn đen: 2 lớp/42 học viên; kỹ thuật chăn nuôi gà: 1 lớp/22 học viên; trồng chăm sóc bơ ghép: 4 lớp/89 học viên; trồng dâu nuôi tằm: 39 lớp/802 học viên; kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng: 4 lớp/94 học viên; trồng rau công nghệ cao: 2 lớp/17 học viên; gò - hàn: 3 lớp/59 học viên; kết cườm: 4 lớp/135 học viên; móc len: 4 lớp/102 học viên; dệt thổ cẩm: 3 lớp/ 69 học viên; sửa chữa xe máy: 2 lớp/28 học viên; sửa chữa máy nông nghiệp: 16 lớp/306 học viên; xây, ốp và lát gạch đá: 4 lớp/72 học viên; du lịch cộng đồng: 3 lớp/53 học viên.
Để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và đồng bộ về nội dung, chương trình đào tạo nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông được thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Thông tư 14/2017/TT-BLĐBTXH ngày 25/5/2017, quy định việc xây dựng thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện quy định về xây dựng chương trình giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tiến hành rà soát, xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo sơ cấp đã đăng ký với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sang chương trình đào tạo nghề thường xuyên theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề và của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó Trung tâm tự chủ trong xây dựng, biên soạn, lựa chọn, thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo trình độ dạy nghề thường xuyên. Hàng năm, chương trình đào tạo nghề đều có thay đổi dựa trên nhu cầu của người học và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, nhằm giúp người học tiếp thu chương trình mới một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên luôn chủ động quan tâm trong công tác đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong 10 năm qua đã có 3/3 cán bộ quản lý tham gia học tập các lớp nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, có 05/05 giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được UBND huyện quan tâm xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch gắn với quy hoạch, vị trí việc làm và nhu cầu thực tế của từng cơ quan, đơn vị.
Đối với học sinh, sinh viên, người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia học trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách nội trú bao gồm: Học bổng chính sách, mua đồ dùng cá nhân, đi lại…theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp. Nhìn chung qua thực hiện các chính sách nêu trên đã tạo động lực thu hút học sinh, sinh viên học nghề hàng năm, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên an tâm học tập.
Chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đã chủ động, tăng cường mở rộng quan hệ trao đổi và hợp tác trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước tổ chức thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển đổi linh hoạt phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong giai đoạn 2014 – 2023, trung tâm cũng đã chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nhằm trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, Chương trình hành động số 83-CTr/TU nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn huyện đã được nâng lên, nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực triển khai và tổ chức những mô hình sáng tạo, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã thực hiện đúng, đầy đủ chính sách cho học viên, người lao động tham gia học nghề, học tập nâng cao trình độ, tay nghề dưới nhiều hình thức. Người lao động hiểu mục tiêu, tầm quan trọng của việc học nghề là để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới. Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động được quan tâm thực hiện góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống chương trình, giáo trình được xây dựng theo hướng nâng cao thời gian thực hành phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và ngày càng chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thực hành nghề.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: Việc triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW, Chương trình hành động số 83-Ctr/TU đã được quan tâm nhưng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng và thấy được vai trò của lao động có tay nghề cao trong lao động, sản xuất. Vì vậy, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động và thu hút người lao động vào học nghề còn gặp khó khăn vướng mắc. Kết quả tuyển sinh, đào tạo lao động tay nghề cao chưa đạt mục tiêu đề ra; việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo còn hạn chế, đặc biệt là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao còn thấp. Bên cạnh đó đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa có chính sách thu hút giáo viên có trình độ cao, tay nghề giỏi về dạy nghề. Một số lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề để tạo việc làm, góp phần khắc phục khó khăn về kinh tế gia đình, dẫn đến một số xã tổ chức các lớp học nghề chưa mang lại hiệu quả kinh tế, học nghề xong nhưng một số lao động nông thôn chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất. Khả năng tiếp thu, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế quá trình sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Sau đào tạo chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hoá. Một bộ phận người lao động chưa quen với tác phong công nghiệp, tính kỷ luật trong lao động còn thấp nên ngại làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, dẫn đến việc đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp gặp khó khăn.
Lan Trương