.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Đam Rông In trang
13/04/2023 05:01 CH

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đam Rông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đạt được kết quả tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Đoàn giám sát của Huyện đoàn giám sát tại trường TH Đạ Tông
Đoàn giám sát của Huyện đoàn giám sát tại trường TH Đạ Tông

          Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Xác định được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã quan tâm, chú trọng đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã ban hành nhiều văn bản quy định về cơ chế, nội dung, kinh phí, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể đã tập trung vào các lĩnh vực, nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm. Cụ thể trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng như: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động, hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện các chương trình, dự án... 

MTTQ phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai
MTTQ phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai

Công tác giám sát và phản biện xã hội có nhiều bước chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới cả về nội dung, phương pháp nâng cáo chất lượng và hiệu quả giám sát; trên cơ sở các văn bản của tỉnh, huyện hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng với các đoàn thể huyện thống nhất lựa chọn nội dung giám sát, phản biện theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218 -QĐ/TW của Bộ Chính trị đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt. Từ đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành giám sát, phản biện xã hội theo quy định. Từ năm 2017 - 2022: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện đã tổ chức được 41 cuộc giám sát (năm 2017: 02 cuộc, năm 2018: 05 cuộc; năm 2019: 07 cuộc; 2020: 09 cuộc; năm 2021: 07 cuộc; năm 2022: 11 cuộc); Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phản biện 01 cuộc về dự thảo Luật dân chủ cơ sở. Qua giám sát, phản biện xã hội đã kịp thời đề xuất các chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền; đồng thời, nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

Ngoài ra, trong năm 2023, Mặt trận Tổ quốc huyện chủ trì, phối hợp với các đoàn thể đăng ký đăng ký 12 nội dung giám sát (Mặt trận Tổ quốc 06 nội dung; Hội Cựu Chiến binh 01 nội dung; Hội Nông dân 01 nội dung; liên đoàn lao động 01 nội dung; Hội LHPN 02 nội dung; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện 01 nội dung). Về phản biện xã hội có 1 nội dung đăng ký:  Phản biện dự thảo Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2024.

Cùng với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị góp ý và lấy ý kiến góp ý về các chủ trương, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Điển hình như tham gia góp ý Đề án và dự thảo Nghị quyết phát triển huyện Đam Rông, giai đoạn 2021 - 2026; góp ý dự thảo Đồ án quy hoạch chi tiết sắp xếp, ổn định dân di cư tự do Khu vực Tiểu Khu 179 và Khu vực Tây Sơn xã Liêng Srônh, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Thị trấn Đạ Rsal, góp ý vào các dự thảo về quy chế, quy định do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức; dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện (khóa IV) về xây dựng huyện Đam Rông đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025; phản biện dự thảo Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị hàng năm, dự thảo Luật đất đai sửa đổi… Qua đó, đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên,  phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Số cuộc phản biện xã hội theo Quyết định 218 còn ít; việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát có lúc, có nơi chưa phù hợp; tổ chức giám sát đối với cá nhân chưa nhiều, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên; phương pháp giám sát, năng lực cán bộ tham gia giám sát, phản biện xã hội có mặt còn hạn chế; việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức....

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo, làm tốt công tác định hướng nội dung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp theo định kỳ hàng năm; tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của công tác giám sát, phản biện xã hội; phát huy tính chủ động của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp, tham mưu cho cấp ủy định hướng nội dung giám sát, phản biện xã hội sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Chỉ đạo hướng dẫn, bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy để thực hiện, đảm bảo yêu cầu đề ra; đồng thời cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội:

- Về hoạt động giám sát, cần nghiên cứu lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào những vấn đề, vụ việc đang được quan tâm, chú ý; kết hợp nhiều phương pháp để thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu, tranh thủ ý kiến tư vấn của cán bộ chuyên môn, các chuyên gia để hoạt động giám sát bảo đảm chuyên sâu, có hiệu quả; thường xuyên đôn đốc thực hiện và theo dõi kết quả giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát.

- Về hoạt động phản biện xã hội, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên nắm thông tin về các chủ trương, chính sách dự kiến được ban hành và lựa chọn các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và nhân dân để đề xuất cấp ủy cho chủ trương tổ chức phản biện xã hội; phát huy vai trò của các tổ tư vấn, các chuyên gia, những người nắm chắc kiến thức, am hiểu sâu về các lĩnh vực có liên quan để tổ chức phản biện đạt hiệu quả cao.

Ba là, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các phòng, ban, ngành trong huyện thường xuyên cung cấp thông tin về các dự thảo nghị quyết, chính sách cần được phản biện xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện việc phản biện xã hội đạt hiệu quả.

                                                                   Ban Dân vận Huyện ủy

Lượt xem: 176
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002216278
  •  Đang online: 68
  •  Trong tuần: 14.332
  •  Trong tháng: 70.425
  •  Trong năm: 854.563