.
Đam Rông: Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/03/2014 của Ban Bí thư “về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” In trang
07/03/2024 10:24 SA

Đam Rông là một huyện miền núi, được thành lập theo Nghị định số 189/2004/NĐ-CP, ngày 17/11/2004 của Chính phủ, trên cơ sở tách 05 xã của huyện Lâm Hà và 03 xã của huyện Lạc Dương. Diện tích tự nhiên khoảng 87.210 ha với 8 đơn vị hành chính; huyện có dân số trên 53 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65%. Những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2014 đến nay với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị huyện đã đạt được những kết quả khả quan, trên tất cả các mặt, gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, điều đó đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đưa huyện tiến gần đến mặt bằng chung của tỉnh.

Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư “về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, trong những năm qua công tác học tập lý luận chính trị trên địa bàn huyện được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của Trung tâm Chính trị và đội ngũ giảng viên kiêm chức (báo cáo viên) đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp để phù hợp với từng đối tượng, góp phần vào việc ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Những kết quả trong 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW:

Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 162-HD/BTGTU, ngày 12/8/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quổc dân”; Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng tổ chức học tập, quán triệt Kết luận số 94-KL/TW; Lý luận chính trị là hệ thống tri thức phản ánh những quy luật, bản chất của lĩnh vực chính trị - xã hội, hướng vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội. Việc học tập này có vị trí, vai trò nền tảng trong việc hình thành, phát triển thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản và phương pháp luận biện chứng cho người học. Đồng thời, tính đảng trong các môn học này giúp người học hình thành, củng cố bản lĩnh chính trị, sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hiểu biết toàn diện, hệ thống, chuyên sâu các môn lý luận chính trị không chỉ giúp học viên bồi dưỡng và nâng cao bản lĩnh chính trị mà còn rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống có văn hóa của xã hội hiện đại, giúp người học lập thân, lập nghiệp, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần vào công tác định hướng, giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên; định hướng tư tưởng giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhằm cụ thể hóa văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Kế hoạch số 55-KH/HU, ngày 04/5/2018 để triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 giảng viên lý luận chính trị, trong đó có 01 giảng viên chuyên trách và 20 giảng viên kiêm chức; 100% giảng viên có trình độ đại học, 02 giảng viên có trình độ thạc sĩ; 90% giảng viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp.Hàng năm, huyện luôn tạo điều kiện để đội ngũ báo cáo viên, giảng viên lý luận tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi huyện và cử báo cáo viên tham gia Hội thi do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; đồng thời cử giảng viên tham gia cuộc thi giảng viên lý luận chính trị giỏi do tỉnh tổ chức.

Môn học Giáo dục công dân (Đạo đức ở cấp tiểu học, Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh xây dựng và phát triển ý thức và hành vi công dân. Qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn học Giáo dục công dân đóng góp vào việc bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất và năng lực cốt lõi của một người công dân, bao gồm tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật. Môn học này giúp học sinh phát triển kỹ năng sống và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong việc học tập, làm việc và đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

Hội thi báo cáo viên giỏi cấp huyện năm 2021
Hội thi báo cáo viên giỏi cấp huyện năm 2021

Để việc thực hiện Kết luận 94- KL/TW đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, các phòng, ban, ngành từ huyện đến cơ sở và sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, cần phải xác định thực hiện Kết luận 94 - KL/TW là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo trên địa bàn; được tiến hành đồng thời, gắn liền với triển khai những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 71-CTr/HU, ngày 16/04/2014 của Huyện ủy Đam Rông về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, yêu cầu các cấp ủy phải tiến hành tốt từ khâu học tập, quán triệt nghị quyết, kết luận đến khâu xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra.

Chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân ở các cấp học phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, gắn với thực tiễn, không máy móc, khô cứng; gắn với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, phương pháp thuyết trình, thầy đọc, trò ghi chép vẫn là phương pháp chủ đạo trong giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân. Phương pháp này tuy là chọn lựa tương đối an toàn cho giáo viên nhưng không thực sự mang lại hiệu quả trong điều kiện hiện nay. Cũng giống như các môn học khác, phương pháp dạy học các môn chính trị, giáo dục công dân cần thực hiện theo xu hướng phát huy tính tích cực của quá trình nhận thức; cần cụ thể hóa và xử dụng các phương pháp vào quá trình giảng dạy. Các phương pháp này không chỉ đòi hỏi người dạy phải truyền đạt tri thức cho người học mà còn phải giúp người học biết cách sáng tạo, tự nhận thức và tìm ra tri thức mới. Thay vì là người cung cấp thông tin, lý luận đơn thuần, giảng viên, giáo viên lý luận chính trị còn phải là người vận dụng các công nghệ hiện đại trong giảng dạy, hướng dẫn học trò cách chủ động nghiên cứu, sưu tầm, xử lý tài liệu, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa duy vậy biện chứng vào những vấn đề của thời đại, để học thuyết chính trị luôn mang hơi thở của cuộc sống, tạo hứng thú cho người học.

Cô Nguyễn Thị Thiện - Trung Tâm chính trị huyện Đam Rông giành giả nhì hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2022 (đứng thứ 5 từ phải qua trái).
Cô Nguyễn Thị Thiện - Trung Tâm chính trị huyện Đam Rông giành giả nhì hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2022 (đứng thứ 5 từ phải qua trái).

Trong Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Kết luận 94-KL/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc xây dựng, điều chỉnh chương trình giảng dạy các môn chính trị đối với từng đối tượng khác nhau và với từng giai đoạn cụ thể. Ở tỉnh ta, chúng ta chưa có trường đại học, cao đẳng chuyên đào tạo về lý luận chính trị. Các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân hiện nay trong tư tưởng, suy nghĩ của nhiều giáo viên và hầu hết học sinh là các môn phụ, không mấy quan trọng.

Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên và giảng viên lý luận chính trị, giáo dục công dân:

Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị là yêu cầu có tính bắt buộc để từng bước khắc phục những hạn chế trong giảng dạy lý luận chính trị ở nước ta thời gian qua. Do đó, để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị có hiệu quả, trước hết cần nâng cao nhận thức cho các chủ thể về tầm quan trọng của vấn đề này. Các cơ sở đào tạo lý luận chính trị cần đặt vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên, coi đây là tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả giảng dạy của mỗi giảng viên. Từ đó, các cơ sở đào tạo có kế hoạch để tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại để áp dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, số hóa tài liệu học tập lý luận chính trị là một trong những cách thức hữu hiệu để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Số hóa giáo trình là việc chuyển đổi những trang sách truyền thống in trên giấy thành các file dữ liệu kĩ thuật số dễ dàng lưu giữ và chia sẻ mọi lúc mọi nơi trên môi trường kết nối internet. Giảng viên và học viên dễ dàng truy cập vào nguồn dữ liệu, vừa tiết kiệm chi phí in ấn, vừa đảm bảo tốc độ truy cập giúp cho người học chủ động trong tìm kiếm tri thức.

Xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển mới là góp phần nâng cao sức mạnh lực lượng tham gia nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải giỏi về khoa học chuyên ngành, tinh thông nghiệp vụ sư phạm, có kiến thức thực tiễn, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, tạo sức hút và khả năng thu hút các đối tượng người học.

Giảng viên lý luận chính trị thật sự là người tâm huyết với nghề nghiệp, thường xuyên cập nhật tri thức, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để có tầm hiểu biết rộng, có thể luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn. Do vậy, phải chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, nội dung bồi dưỡng phải toàn diện mang tính hệ thống bao gồm kiến thức chung, kiến thức lý luận chính trị, kỹ năng, phương pháp sư phạm; trình độ tin học, ngoại ngữ, thông qua các hình thức đa dạng, linh hoạt như mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị chuyên môn và chuyên đề, hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp…

Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành và Trung tâm Chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Đã phối hợp tốt trong việc tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giáo dục lý luận chính trị; thường xuyên thông tin, trao đổi về những vấn đề trong lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn do yêu cầu đào tạo đặt ra. Trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ được giao, các bên phối hợp trao đổi nội dung thông tin về định hướng công tác giáo dục lý luận chính trị, văn hóa, khoa giáo, công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, thời sự, chính sách thông qua văn bản, hội nghị báo cáo viên Huyện ủy hàng tháng và hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo hàng năm.

Để nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin, hàng năm Phòng GD&ĐT mời giảng viên Trung tâm Chính trị tham dự một số lớp tập huấn chuyên đề. Phối hợp cử giảng viên tham gia đánh giá một số cuộc thao giảng giáo viên dạy giỏi của các trường; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả đúng các quy định của Đảng và Nhà nước.

Để tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp, làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng, trong thời gian tới các phòng, ban, ngành cần xây dựng, ban hành chương trình phối hợp trong giai đoạn mới, xây dựng chương trình công tác, đánh giá kết quả phối hợp, trao đổi, định hướng nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Công tác giáo dục tư tưởng chính trị vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, một số mặt yếu tồn tại từ lâu chậm được khắc phục. Chất lượng hiệu quả học tập lý luận chính trị còn thấp; hình thức giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên còn thiếu; thực hiện tự phê bình và phê bình còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống, thoái hóa về tư tưởng, chính trị.

Nhận thức của một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này chưa thật đầy đủ, còn biểu hiện coi nhẹ, giao khoán cho cơ quan tuyên giáo; chưa có nhiều chủ trương, giải pháp thật sự hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Một số cán bộ, đảng viên chưa tích cực, chịu khó học tập rèn luyện, chấp hành chưa nghiêm việc học tập lý luận chính trị. Một bộ phận cán bộ tham mưu công tác chính trị, tư tưởng, cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị năng lực trình độ có mặt còn hạn chế. Công tác quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng chưa thật chủ động, nhạy bén, chưa thực sự bám sát tình hình và diễn biến tư tưởng, tâm trạng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là những thời điểm nhạy cảm, phức tạp; có lúc, có nơi còn chủ quan đơn giản, nắm không chắc, thiếu tính dự báo, giải quyết thiếu kiên quyết kịp thời, còn để xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật, cũng như kỷ luật của Đảng. Công tác giảng dạy lý luận chính trị chưa được đổi mới toàn diện, thiếu liên kết, phối hợp, nên vẫn kéo dài tình trạng hoạt động phân tán. Thiếu sự sáng tạo cũng như trình độ nhận thức ở một số cấp ủy về công tác lý luận chính trị, đã dẫn tới tình trạng giản đơn, một chiều, nặng về mô tả các hiện tượng sự kiện, hoặc suy luận chủ quan mà không nâng lên tầm phân tích, tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận. Đây cũng là thực trạng bất cập, lạc hậu chung của hệ thống chính trị ở địa phương cả về lý luận trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.  Việc phản bác các luận điệu tuyên truyền chủ yếu là trên các phương tiện thông tin, nhất là trên mạng Internet, mặc dù đã được quan tâm, nhưng tính chiến đấu, tính hiệu quả chưa cao.

Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm: Sự quan tâm, chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác lý luận chính trị là điều kiện thúc đẩy tốt nhất, đồng thời tạo điều kiện quan trọng để đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy lý luận chính trị và giáo dục công dân phát huy phẩm chất, đạo đức phương pháp mới trong giáo dục lý luận chính trị.  Phải kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận chính trị và giảng dạy lý luận chính trị ở mọi cấp độ, trong mọi khâu, mọi bước, từ xây dựng kế hoạch đến triển khai tổ chức thực hiện,… là phương hướng, con đường biện pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận chính trị phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương và của đất nước.

Lan Trương

Lượt xem: 8.830
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002412616
  •  Đang online: 109
  •  Trong tuần: 19.786
  •  Trong tháng: 88.890
  •  Trong năm: 1.050.901