Huyện Đam Rông được thành lập vào ngày 30/12/2004 theo Nghị định số 189/2004/NĐ-CP, ngày 17/11/2004 của Chính phủ. Lúc đó huyện có 8 xã, 48 thôn, diện tích tự nhiên gần 90 ngàn ha, dân số trên 30.630 nhân khẩu với 5.834 hộ, được chia tách từ 5 xã phía bắc của huyện Lâm Hà và 3 xã của huyện Lạc Dương. Là những xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp; thiếu đội ngũ cán bộ, giao thông cách trở, kết cấu hạ tầng yếu kém, địa hình trải rộng; tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 73,19%), dân số của huyện đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 73% dân số); điều kiện, trình độ sản xuất của nhân dân còn nhiều lạc hậu.
Quang cảnh trung tâm huyện
Từ một huyện nghèo, trải qua 17 năm thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực và những quyết sách mang tình đột phá của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay Đam Rông đã và đang gặt hái được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngường được nâng cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả quan trọng, với những cơ chế, chính sách đầu tư của Trung ương, của tỉnh và của huyện, đến nay huyện đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó: 01 được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu; hiện nay, đang lập các thủ tục liên quan để đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; các xã còn lại đều đạt từ 15 – 17 tiêu chí trở lên; những kết quả này đã góp phần quan trọng làm thay đổi rõ rệt diện mạo của địa phương; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,45%. Giáo dục đào tạo có nhiều bước phát triển, nhất là việc mở rộng quy mô trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên; chất lượng giáo dục của huyện ngày càng được nâng lên, hiện nay huyện có 26/36 trường đạt chuẩn quốc gia.
Lĩnh vực y tế tiến bộ rõ rệt, ngày mới thành lập ngành y tế của huyện gặp rất nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn lạc hậu, đội ngũ y, bác sĩ thiếu và chưa đạt chuẩn về trình độ; đến nay huyện đã có 01 Trung tâm Y tế , 8/8 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế; đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng lớn mạnh, với 5,5 bác sĩ/ 1 vạn dân; tỷ lệ trạm y tế xã có Bác sĩ đạt 100%.
Hoạt động văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp từ huyện đến xã, thôn; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa như Đam Rông. Thu nhập và mức sống được nâng lên, đời sống Nhân dân được cải tiện rõ rệt. Hệ thống bảo hiểm xã hội mở rộng đã tạo ra mạng lưới an sinh xã hội cho cả những người yếu thế. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, tạo điều kiện đề người dân được thủ hưởng nhiều hơn với các dịch vụ công. Công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện được quan tâm, chú trọng.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Công tác nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng không ngừng được củng cố và nâng cao. Năm 2004, huyện có 08 tổ chức cơ sở đảng với 290 đảng viên; đến nay, toàn Đảng bộ có huyện có 39 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc gồm: 11 đảng bộ và 28 chi bộ với 123 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 1.753 đảng viên. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 95%. Công tác phát triển đảng viên được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Trong quá trình lãnh đạo, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, phát huy vai trò nêu gương của các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy.
Mô hình phát triển kinh tế của huyện
Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện bên cạnh các nghị quyết lãnh đạo toàn diện, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy còn ban hành những Nghị quyết chuyên đề các chương trình trọng tâm có tính chất đột phá trên các lĩnh vực trọng tâm …Kịp thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định của Đảng với quyết tâm chính trị cao nhằm mục đích chấn chỉnh lề lối, tác phong, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Bố trí thay thế cán bộ nói không đi đôi với làm, năng lực hạn chế nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Đặc biệt , trong thời gian vừa qua với tinh thần chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid - 19. Cùng với các địa phương trong tình, hiện nay, huyện đang bước vào thời kỳ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nhìn lại sau 17 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đam Rông hết sức tự hào với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua; về những cơ hội, thách thức của chặng đường sắp tới, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phấn đấu và nỗ lực cao nhất để đưa huyện Đam Rông phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu và kỳ vọng mà Đảng bộ huyện đã xác định tại Đại hội lần thứ IV đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; đoàn kết, đổi mới; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, Đam Rông là huyện nông thôn mới...
Ban Tuyên giáo Huyện ủy