.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta In trang
11/03/2024 08:06 SA

(LĐ online) - Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác  định: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Vừa qua, trong bài viết “Một số vấn đề lý lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh đặc điểm ở Việt Nam”. Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam”.

Nhằm thực hiện âm mưu chống phá, các đối tượng thù địch thường xuyên chĩa mũi nhọn vào phê phán, công kích, xuyên tạc sự lựa chọn này hòng làm chệch hướng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Họ rêu rao: “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm của lịch sử”, vì theo họ “CNXH không phải là chế độ ưu việt”, “CNXH là ảo tưởng, là tốt đẹp trên lý thuyết chứ không phải trên hiện thực”, CNXH đã “cáo chung”, đã “thoái trào từ lâu” và “Việt Nam kiên định đi lên CNXH là đi theo vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu”...

Thực ra, những luận điệu đó không mới, nó được các thế lực thường xuyên sử dụng ngay từ khi CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cho đến nay. Những hiện thực ấy, những ý kiến hùa theo dù vô tình hay cố ý, đều bỏ qua hiện thực lịch sử mà hầu hết những người có lương tri không chỉ trong nước, mà trên thế giới thừa nhận: Sự kết hợp giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã tạo ra những bước tiến lớn không chỉ trong đấu tranh cho độc lập dân tộc, mà cả trong quá trình xây dựng xã hội mới. Những cuộc giải phóng vĩ đại không chỉ trên lĩnh vực chính trị, mà cả trên lĩnh vực kinh tế, tư tưởng, văn hóa, trên lĩnh vực phát huy nhân tố con người được thực hiện nhờ được tác động, cổ vũ bởi mục tiêu lý tưởng đó. Thực tiễn đã chứng minh CNXH là một chế độ xã hội có bản chất ưu việt, được ra đời và hình thành theo quy luật tất yếu của lịch sử, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử nhân loại.

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại, thời kỳ bắt đầu thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng các dân tộc bị áp bức. Cách mạng Tháng Mười Nga đã lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và phong kiến, giành quyền làm chủ cuộc sống cho những người vô sản cùng hàng triệu người lao động thành thị và nông thôn nước Nga. Đó là thắng lợi của một xu thế mới: độc lập dân tộc đi lên CNXH và gắn kết với CNXH.

Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra trong khi Việt Nam còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, dưới sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước đã đến được với Lênin và Cách mạng Tháng Mười và tìm thấy cho cách mạng con đường cứu nước đúng đắn - con đường cách mạng vô sản thì mới tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, cuộc cách mạng Tháng Tám thành công và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam tuân theo chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đó là con đường gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng về tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô có ý nghĩa quan trọng. Liên Xô và Quốc tế cộng sản đã trực tiếp giúp đỡ cách mạng Việt Nam về đào tạo cán bộ từ nhiều cán bộ lãnh đạo tiền bối đến đội ngũ trí thức, chuyên môn có trình độ cao ở hầu hết các lĩnh vực. Thắng lợi của Liên Xô tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đưa đến toàn thắng năm 1945. Sau thắng lợi của nhân dân Việt Nam 1975, Liên Xô tiếp tục đường lối ủng hộ Việt Nam, đã giúp đỡ xây dựng những công trình kinh tế có ý nghĩa quan trọng như: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, liên doanh dầu khí Vietsopetro, cầu Thăng Long... Các công trình trên đã và đang tồn tại, phát huy hiệu quả to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta.

Có thể nói, trong một thời gian không dài, Liên Xô trở thành cường quốc, tạo thành đối trọng và tương quan lực lượng với chủ nghĩa tư bản. Đây là một thực tế lịch sử. Liên Xô sụp đổ chỉ là sự sụp đổ của một mô hình CNXH cụ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không thuộc bản chất của chế độ XHCN, càng không phải sai lầm trong lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác - Lênin. Mặc dù chỉ là “bước thụt lùi tạm thời”, nhưng là bài học kinh nghiệm quý giá trong nhận thức và vận dụng đúng đắn lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH cũng như việc xây dựng mô hình CNXH cụ thể phù hợp với đặc điểm từng quốc gia, dân tộc. Thắng lợi trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc cũng như sự ổn định và phát triển ở Lào, Cu Ba chứng tỏ CNXH vẫn tràn đầy sức sống.

Nhận thức sâu sắc sự nguy hại và hậu quả nghiêm trọng của việc xa rời nền tảng tư tưởng, mục tiêu, đường lối cách mạng, từ bỏ nguyên tắc xây dựng Đảng dẫn đến sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu; từ bài học thành công của cách mạng nước ta, nhất là thành công trong những thời điểm chuyển giai đoạn hoặc gặp nhiều khó khăn, thử thách; từ nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đặt lên hàng đầu quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây là quan điểm có tính nguyên tắc, bất di bất dịch, thể hiện bản lĩnh vững vàng của Đảng Cộng sản Việt  Nam.

Nói “độc lập dân tộc” thật sự phải là độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại. Độc lập dân tộc phải thật sự đòi hỏi xóa bỏ tình trạng áp bức bóc lột và nô dịch của dân tộc này đối với dân tộc khác trên tất cả mọi phương diện. Nó xa lạ với mọi sao chép bên ngoài, ỷ lại bên ngoài, lệ thuộc bên ngoài. Do đó, độc lập dân tộc gắn liền với tự do và bình đẳng, công việc nội bộ của quốc gia - dân tộc phải do quốc gia - dân tộc đó giải quyết, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Một nội dung quan trọng là bảo đảm độc lập, tự chủ trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Độc lập dân tộc của Việt Nam vừa là hiện thực lịch sử, vừa là mục tiêu ngay trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH và xây dựng CNXH để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc.

Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới, Việt Nam có “thế và lực” mới, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, điều này đã được chứng minh trong thực tế. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, có mức tăng trưởng khá về kinh tế, trở thành nước có thu nhập trung bình; hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về xóa đói, giảm nghèo. Mức sống của Nhân dân được cải thiện, sức khỏe và tuổi thọ được nâng lên. Đồng thời hàng loạt các chỉ tiêu quốc gia của Việt Nam được cải thiện và vươn lên trong bảng xếp hạng quốc tế gần đây.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử đúng đắn của Đảng và Nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa Việt Nam sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lượt xem: 1.571
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002417720
  •  Đang online: 138
  •  Trong tuần: 24.890
  •  Trong tháng: 93.994
  •  Trong năm: 1.056.005