.
Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên In trang
26/02/2024 08:03 SA

(LĐ online) - Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số khoảng 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Trong số các tôn giáo ở Tây Nguyên, Công giáo là tôn giáo xuất hiện sớm nhất, khoảng giữa thế kỷ XIX. Trong khi đó, Tin Lành là tôn giáo xuất hiện sau nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên. Hiện nay, có khoảng gần 90% tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên là người DTTS. 

Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, hợp pháp, ở Tây Nguyên những năm qua cũng xuất hiện khá nhiều hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý xã hội ở địa phương như: Hà Mòn, Canh Tân đặc sủng, Amí Sara, Bơ Khắp Brâu, Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam, Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ… Các “tà đạo”, “đạo lạ” gia tăng tính chất, mở rộng phạm vi hoạt động, số lượng người tham gia; một số còn biến tướng, tách ra thành lập các “tà đạo” mới... làm rạn nứt cộng đồng truyền thống, xáo trộn đời sống đồng bào nơi đây.

Triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch, phản động như BPSOS, Việt Tân, Người Thượng vì Công lý… tung ra các chiêu bài để kích động, lôi kéo tín đồ và người dân gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cớ cho hành động can thiệp từ bên ngoài, hòng thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam. Một trong số đó phải kể đến nhóm “Người Thượng vì Công lý” ((MSFJ - Montagnards Stand For Justice); nhóm này được thành lập vào năm 2019 bởi các đối tượng phản động:  Y Phic Hdok sinh năm 1993, là người Êđê theo đạo Tin lành sống ở Mỹ; Y Pher Hdrue, Y Quynh Bdap ở Thái Lan cùng 15 đối tượng phản động, lưu vong khác.

Trong suốt thời gian qua, nhất là những ngày đầu tháng 2 này, “Người Thượng vì Công lý” tiếp tục đăng tải nhiều bài viết, video với những lời lẽ bịa đặt, như: “Vấn đề tôn giáo tại Tây Nguyên: Chính quyền càng can thiệp thô bạo càng bế tắc!”; rồi chúng lu loa rằng: “Tại sao những người Bản địa trên thế giới hoặc ngay trên Cao Nguyên Việt Nam của chúng ta luôn bị đàn áp, tiêu diệt hoặc bị đuổi khỏi vùng đất của tổ tiên của chính họ? Thế rồi khi họ cố gắng đấu tranh đòi hỏi quyền lợi, quyền được đối xử công bằng, quyền được sống hay quyền tự do tôn giáo thì bị gọi là súc vật, man rợ hay khủng bố?”…

Chẳng những thế, trên trang cá nhân, đối tượng Y Quynh Bdap rêu rao: “Những hoạt động của tôi là về lĩnh vực tôn giáo và đòi nhân quyền cho người Thượng bản địa tại Việt Nam. Mọi hoạt động của “Nhóm Người Thượng vì công lý” với mục đích là đấu tranh cho công lý và đấu tranh ôn hòa. Tôi biết rằng nhà nước Việt Nam đã lợi dụng vụ này và vu khống cho “Nhóm Người Thượng vì công lý” của chúng tôi…”.

Rõ ràng, những luận điệu vu khống, bóp méo sự thật như trên về tình hình tự do tôn giáo ở Tây Nguyên của “Người Thượng vì Công lý” càng làm lộ rõ bản chất xảo trá, âm mưu thâm độc của chúng nhằm kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.

Hơn nữa, để lôi kéo được nhiều người tham gia, những đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đến kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền với mục đích đòi thành lập “Nhà nước Đề ga”; đồng thời kích động người tin theo tẩy chay các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Những năm gần đây, ở Tây Nguyên còn diễn ra tình trạng người dân một số DTTS gốc Tây Nguyên liên quan đến "Tin Lành Đề ga" bị lôi kéo tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, gây rối chống phá chính quyền, sau khi thất bại lại tiếp tục bị kích động và tổ chức cho vượt biên sang Campuchia, tìm cách định cư ở quốc gia thứ 3 theo diện tị nạn chính trị nhằm quốc tế hóa, chính trị hóa vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên… Đây là những thủ đoạn cần phải vạch trần, lên án và ngăn chặn kịp thời.

Tây Nguyên là vùng đất có bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú; là không gian sinh sống của nhiều đồng bào DTTS với 12 DTTS tại chỗ, gồm Gia rai, Bana, Êđê, Mnông, Brâu, Churu, Rắc glây, K’Ho, Giẻ triêng, Mạ, Rơ măm và Xơ đăng. Hiện nay, dân số của vùng xấp xỉ 6 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước); có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với số lượng khoảng 2,2 triệu người (chiếm 37,65% dân số toàn vùng). Về cơ bản, đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tin Đảng, tin Chính phủ, yên tâm lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.  

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo, hằng năm, các cấp chính quyền ở Tây Nguyên đều tổ chức các cuộc thăm, gặp mặt, đối thoại với các tổ chức, chức sắc tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo và tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo.

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, các tỉnh vùng Tây Nguyên luôn bảo đảm các lễ hội tôn giáo diễn ra bình thường. Hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc, tín đồ tôn giáo được giải quyết nhanh chóng. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được duy trì và mở rộng. Việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tôn giáo. Việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo được quan tâm giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật…

Điều đó đã chứng minh: những chiêu bài lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch chỉ là những lời lẽ vu khống, bịa đặt, thiếu căn cứ. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác.

https://baolamdong.vn/

Lượt xem: 64
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001704690
  •  Đang online: 25
  •  Trong tuần: 30.974
  •  Trong tháng: 70.356
  •  Trong năm: 342.975