Đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP trong thời đại công nghệ số, Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành, giúp các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh tiếp cận nhanh hơn với xu hướng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Các chủ thể hào hứng tham gia livestream bán hàng cùng các KOL tại Chợ phiên OCOP thanh niên Lâm Đồng
Nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại số năm 2024, lần đầu tiên, Chợ phiên OCOP thanh niên Lâm Đồng do Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức vào tháng 1 vừa qua đã giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với phương thức bán hàng trên các nền tảng số.
Tại phiên chợ, 4 nhà sáng tạo nội dung (KOL) gồm chị Nguyễn Thị Tường Thảo - KOL kênh tiktok Món lạ Vườn nhà, chị Nguyễn Thanh Huyền - KOL kênh Hoàng Anh Macca, anh Nguyễn Khắc Quang - KOL kênh Xù Lèo và anh Phạm Hoàng Khánh Vũ - KOL kênh Đi Đà Lạt đã cùng livestream trên kênh tiktok của mình để giới thiệu và bán 15 sản phẩm OCOP của ĐVTN đã đăng ký, như nấm, cà phê, mật ong, mắc ca, tương ớt, bí sợi mì, xốt salad Đà Lạt,... với nhiều ưu đãi hấp dẫn thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, chủ thể của các sản phẩm cũng được tham gia vào phiên livestream, trực tiếp tương tác với khách hàng và giới thiệu về sản phẩm của mình, cũng như học hỏi cách thức bán hàng trên nền tảng tiktok shop. Chỉ sau 2 giờ livestream, phiên chợ đã thu hút hơn 70.500 lượt tương tác, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng.
Thu hút hơn 15.700 lượt tương tác, kênh tiktok Món lạ Vườn nhà đã đạt doanh thu hơn 20 triệu đồng trong phiên livestream của mình. Chị Nguyễn Thị Tường Thảo - KOL kênh Món lạ Vườn nhà chia sẻ: “Bán hàng online khó hơn bán hàng truyền thống ở chỗ, khi khách hàng đánh giá không tốt về shop trên các sàn thương mại điện tử thì lượt hiển thị của shop cũng sẽ bị hạn chế. Do đó, đối với những mặt hàng tươi sống, hàng dễ vỡ thì người bán hàng phải có khâu đóng gói kỹ càng hơn để khi đến tay khách hàng qua nhiều khâu vận chuyển, sản phẩm vẫn còn đảm bảo chất lượng, nguyên vẹn. Bên cạnh đó, người bán cũng cần phải có một chiến lược chăm sóc khách hàng cụ thể để shop có được những đánh giá tích cực trên các sàn thương mại điện tử. Tôi thấy rất vui khi các bạn tham gia đều rất hào hứng, chủ động tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng trong khóa tập huấn, nhất là khi Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn để chúng ta phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp”.
Tham gia phiên phợ, anh Phạm Toản đến từ huyện Lâm Hà - chủ thể của sản phẩm Mật ong PT Lâm Đồng hào hứng xuất hiện trong các phiên livestream cùng các KOL để giới thiệu sản phẩm, cũng như trực tiếp giới thiệu các ưu đãi khi mua hàng trên phiên live. Đạt doanh thu 5 triệu đồng sau 2 tiếng đồng hồ, anh hào hứng cho biết: “Kinh doanh trên các nền tảng số, các trang thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0 như hiện nay. Do đó, phiên chợ là một dịp rất tốt để sản phẩm của tôi được tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Dù lần đầu lên livestream còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè, nhưng tôi cũng đã học được nhiều kinh nghiệm để xây dựng kênh tiktok shop và chuẩn bị có những phiên live tại chính trại ong của mình”.
Trước đó, các chủ thể của 15 sản phẩm OCOP tham gia chợ phiên cũng đã được tập huấn trực tiếp về xây dựng nội dung, chiến lược truyền thông cụ thể trên nền tảng tiktok. Tại đây, các KOL đã trực tiếp chia sẻ kỹ năng live và nội dung chia sẻ trên phiên live; kỹ năng vận hành sau khi chốt đơn và các tip chốt sale; kỹ năng kinh nghiệm trong khâu đóng gói sản phẩm, thời hạn sau khi đi đơn và các vấn đề về thuế. Bên cạnh đó là các nội dung liên quan đến quy định của các kênh thương mại điện tử, cách xây dựng kênh bán hàng hiệu quả, chất lượng, tiếp cận rộng rãi người tiêu dùng. Từ đó, giúp các chủ thể có kiến thức, kinh nghiệm để từng bước làm chủ kênh bán hàng, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tăng giá trị sản phẩm OCOP địa phương.
Mang các sản phẩm OCOP từ dòng ớt cay nhất thế giới đến phiên chợ, anh Lê Tiến Dũng (huyện Đạ Tẻh) chia sẻ: “Thời gian đầu tự tìm hiểu, mày mò các sàn thương mại điện tử, tôi thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua khóa tập huấn, tôi không những từng bước làm chủ công nghệ để tiến tới xây dựng riêng cho mình một kênh bán hàng trên các nền tảng xã hội, mà còn hiểu rõ rằng, cho dù mình bán hàng trên bất cứ kênh nào thì chất lượng của sản phẩm và uy tín của người bán hàng chính là yếu tố quan trọng nhất để định vị được thương hiệu và đảm bảo duy trì kinh doanh lâu dài, bền vững”.
15 sản phẩm OCOP tham gia Chợ phiên OCOP thanh niên Lâm Đồng lần này là đại diện cho 31 sản phẩm OCOP của thanh niên toàn tỉnh đã xây dựng sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Anh Trương Quốc Tùng - Trưởng Ban Phong trào Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: “Bản thân các sản phẩm OCOP đã hội tụ rất nhiều yếu tố đảm bảo về chất lượng, cũng như các giá trị được các cấp chính quyền công nhận. Tuy nhiên, việc lan tỏa các sản phẩm OCOP ở sàn thương mại điện tử mặc dù đã khá phổ biến nhưng trên thực tế vẫn còn khá mới mẻ với nhiều thanh niên tại Lâm Đồng, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Do đó, trong năm 2024, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tổ chức Chợ phiên OCOP thanh niên Lâm Đồng ít nhất mỗi quý một lần để ngày càng nhiều thanh niên địa phương làm chủ các kênh bán hàng điện tử một cách hiệu quả, kịp thời phát triển kinh doanh phù hợp, hiệu quả với thị hiếu khách hàng”.
https://baolamdong.vn/