Sau 50 năm, nhắc lại chuyện hòa đàm ở Paris về cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tưởng vẫn còn nóng hổi. Chiến tranh - Hòa bình - Đấu súng và Đấu lý. Lịch sử sẽ nhắc tên: Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thành Lê, Dương Đình Thảo...
Từ câu chuyện ngoại giao đến lễ ký Hiệp định
Thông thường những cuộc chiến tranh lớn, trước và sau tàn cục, hai bên có tiếp xúc với nhau ở bàn hội nghị. Những bàn thảo và ký kết đa phần là gọn và nhanh.
Nhưng cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một ngoại lệ. Thời gian Hội nghị kéo dài 4 năm 8 tháng, từ 12/5/1968 đến 27/1/1973 với 226 phiên và 500 cuộc họp báo. Cuộc gặp của hai phía khi chiến trường chưa im tiếng súng và không ít rắc rối, tranh luận ngay từ phút đầu. Hoa Kỳ muốn họp ở Geneve (Thụy Sĩ), Việt Nam đề xuất ở Campuchia hoặc Ba Lan. Cuối cùng thống nhất chọn địa điểm ở Paris (Pháp).
Chuyện tưởng êm, lại nảy sinh tình huống mới. Trong cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” (NXB Tri Thức 2012) bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị nhắc lại chuyện chọn cái bàn họp: bầu dục hay vuông, hay chữ nhật? Đây không phải hình thức mà đằng sau là tính pháp lý của bên dự họp.
Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1968, cuộc bàn cãi giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy (phía ta) và Đại sứ William Harriman (phía Mỹ) đã rất gay gắt về vấn đề vai trò của Mặt trận dân tộc giải phóng và chính quyền Sài Gòn.
Cuộc đấu tranh “bốn bên hay hai bên” có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Sau cùng đi đến thống nhất: sẽ có một cái bàn to, đường kính 8 mét. Mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài. Như vậy, là ai hiểu hai bên hay bốn bên cũng được. Ngày 27/11/1968, Hội nghị bốn bên mới bắt đầu.
Các sử gia chính trị và ngoại giao sẽ có những công trình chuyên sâu về hội nghị này. Bạn đọc thông thường chỉ cần nhớ một số mốc thời gian và sự kiện quan trọng.
Ngày 5/8/1964, Mỹ kiếm cớ gây “sự kiện Vịnh Bắc bộ” để đưa máy bay đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Tháng 2/1965, Đèo Ngang và Đồng Hới liên tục bị oanh tạc.
Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngưng ném bóm bắn phá 90% lãnh thổ miền Bắc.
Ngày 13/5/1968, tại Paris, cuộc họp hai bên bắt đầu với đại diện Đại sứ Harriman (Mỹ) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy (Việt Nam)
Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập.
Ngày 8/6/1969, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố chính sách Việt Nam hóa chiến tranh.
Đầu tháng 10/1972, dự thảo Hiệp định hình thành, dự kiến đến 30/10/1972 sẽ ký. Nhưng đầu tháng 11/1972, Nixon thắng cử tổng thống liền đòi sửa hiệp định, lật lọng và quyết định đem B-52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng.
Bị thất bại, phía Mỹ đồng ý ký hiệp định. Ngày 23/1/1973, ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định với 9 chương 23 điều.
Hội nghị Paris về Việt Nam gây sự chú ý của dư luận quốc tế không chỉ ở thời gian, ngôn từ, tên gọi, rút thăm phát biểu, đấu lý, phương thức đánh - đàm. Các cuộc họp giữa bốn bên diễn ra lúc căng, lúc chùng, nhiều lần đứt đoạn, bế tắc bởi các cuộc đối đáp “giữa những người điếc”. Nhưng cái gì đến sẽ phải đến. Sáng 27/1/1973, phòng hội nghị Kleber rực sáng ánh đèn.
Ký ức mỗi cá nhân mừng chiến thắng
Hòa bình ở miền Bắc Việt Nam đến muộn sau mấy tháng. Không thể quên được bao đồng bào vô tội chết vì các trận bom ngày 16/4/1972 ở Hải Phòng. Ngày 26/10 năm đó, loa phóng thanh phát tin bình luận cuộc chiến lại tiếp tục. Những ngày cuối năm miền Bắc rét dữ. Bầu trời lấp lánh những dãi băng nhiễu và bong bóng… Rồi lễ ký Hiệp định, không còn ai quan tâm đến vật cản ấy nữa.
Toàn cảnh Hội nghị Paris về Việt Nam
Theo lịch Vạn niên, ngày thứ Bảy (27/1/1973) rơi vào ngày 24 tháng 12 Âm lịch. Như vậy, ngày lịch sử ấy cách ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam đúng một tuần. Gần sát Tết, vợ chồng tôi về Hải Phòng đón Xuân. Ông bố vợ - chỉ huy trưởng Thành đội Hải Phòng, Phó Tư lệnh Sư đoàn 350, với nét mặt phong sương sau chiến trận vui mừng vì Tết này có hai con trai trong quân ngũ từ Vĩnh Yên và Quảng Trị được phép về thăm nhà.
Đêm Giao thừa, thành phố Cảng “trung dũng kiên cường” rực sáng ánh đèn. Bầu trời lung linh pháo hoa đủ màu. Tết đến giữa lòng dân đang náo nức. Đau thương được nén lại, khi mới hơn tháng trước Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng… còn là chiến địa.
Nhớ đêm 18/12, những loạt bom đầu tiên nổ ở Hà Nội, bắt đầu cuộc tập kích chiến lược của B-52. Thế giới tưởng thủ đô của ta sắp về “thời đồ đá”. Ác liệt nhất là sau Giáng sinh, đêm 26/12, không quân Mỹ rải thảm mấy vệt ở ga Hàng Cỏ, Bạch Mai và khu phố Khâm Thiên. Đỉnh điểm của lần này, 5 đợt ném bom với trên 200 lượt B-52 xuất phát. Nhưng Hà Nội đã ngoan cường đánh trả, lập nên kỳ tích “trận Điện Biên Phủ trên không”, B-52 rơi trên đất Hà Nội. “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công” - tiếng hát của ca sĩ Tuyết Thanh ngân vang mọi nẻo.
Sau lễ ký Hiệp định, bầu trời miền Bắc trở lại yên tĩnh. Tôi đi đón người nhà ở Xuân Cầu, Hải Dương, cách Hà Nội 20km, phải vượt qua nhiều hố bom ở Gia Lâm. Những nấm mộ ven đường ruộng, các vòng hoa còn nguyên hình…
Chiến tranh - Hòa bình - Đấu súng và Đấu lý. Vô cùng biết ơn những chiến binh của ta trên mặt trận ngoại giao. Lịch sử sẽ nhắc tên: Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thành Lê, Dương Đình Thảo... “Đặt bút ký vào Hiệp định, tôi trào nước mắt. Tôi không có đủ lời để nói lên được lòng biết ơn vô tận với đồng bào và chiến sĩ ta từ Nam chí Bắc đã chấp nhận mọi hy sinh, biết ơn Bác Hồ.” (Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”)
Hiệp định đã ký. Mỹ cút, ngụy nhào. Một cuộc chiến mới trong tình trạng “ngưng chiến, không ngưng bắn” cho đến 30/4/1975.