.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông In trang
31/05/2023 04:06 CH

Huyện Đam Rông được thành lập năm 2004, trên cơ sở chia tách 3 xã của huyện Lạc Dương và 5 xã của huyện Lâm Hà với 22 dân tộc cùng sinh sống. Những ngày đầu mới thành lập, huyện đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế - xã hội kém phát triển, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn; trường học còn thiếu và tạm bợ, lợp bằng tranh tre, nứa lá; không có cơ sở khám chữa bệnh; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ gia tăng dân số cao; hơn nửa dân số trong huyện là hộ nghèo; nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ, tạo hệ lụy nặng nề cho xã hội và gia đình; đội ngũ cán bộ vừa mới, vừa thiếu; tình hình an ninh, trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Lúc này, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đam Rông được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2005 - 2010 là: “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng kinh tế, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đam Rông ổn định và phát triển”. Chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục xuyên suốt trong các nhiệm kỳ Đại hội II, III, IV của Đảng bộ huyện.

Ngày hội Đại kết toàn dân tộc thôn Bob Lé - xã Phi Liêng
Ngày hội Đại kết toàn dân tộc thôn Bob Lé - xã Phi Liêng

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Nhân dân các dân tộc huyện nhà đã chung sức, đồng lòng với Đảng bộ, chính quyền đoàn kết, vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ chỗ là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, Đam Rông đã thoát khỏi huyện 30a. Kinh tế - xã hội của huyện có sự phát triển khá nhanh chóng. Công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt được những kết quả ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm; đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đến nay, có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội; 8/8 xã có đường nhựa đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi được duy trì và mở rộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cơ bản chuyển dịch đúng hướng, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được quan tâm thực hiện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Hệ thống mạng lưới trường lớp ở các cấp học phát triển đồng bộ và từng bước kiên cố hoá, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cơ sở vật chất ngành Y tế được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 01 Trung tâm Y tế, 08 Trạm Y tế xã, 02 phòng khám khu vực đạt chuẩn quốc gia về y tế; 8/8 xã có Nhà văn hóa, bưu điện xã được đầu tư xây dựng khang trang… Quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững.

Toàn thể cán bộ và nhân dân tích cực tham gia Ngày thứ 7 cùng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới
Toàn thể cán bộ và nhân dân tích cực tham gia Ngày thứ 7 cùng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc chăm lo, xây dựng các giai cấp, tầng lớp xã hội góp phần tạo nên khối đại đoàn kết vững mạnh đã đã được những kết quả quan trọng như:  

Về giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức: Những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của huyện đạt nhiều kết quả cả về chất lượng và số lượng. Nhiều đồng chí được phát hiện, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí đúng năng lực, sở trường, đã góp phần vận dụng đúng đắn và sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào thực tế trên địa bàn huyện. Nhiều đồng chí đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác. Đội ngũ trí thức của huyện đã không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, kế thừa kinh nghiệm và phát huy những thành tựu khoa học - công nghệ mới để ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, sản xuất và phục vụ đời sống đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, toàn huyện có 1.517 công đoàn viên sinh hoạt trong 59 tổ chức công đoàn và có 01 công đoàn cơ sở doanh nghiệp có 12 lao động tại địa phương. Các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản ốm đau được bảo đảm.

Về giai cấp nông dân: Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quan tâm chỉ đạo cấp ủy Đảng, Hội Nông dân từ huyện đến chi hội thôn không ngừng củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn huyện có 8 tổ chức hội cơ sở, 53 chi hội thôn, 7.191 hội viên; số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đều tăng, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, năm sau cao hơn năm trước (giai đoạn 2008 - 2013 có 1.905 hộ đạt xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 122 hộ so với giai đoạn 2003 - 2008; giai đoạn 2017 - 2022 có 2.516 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 105 hộ so với giai đoạn 2013 - 2017). Nhiều mô hình điển hình, tiêu biểu như: HTX Laba Banana ở xã Đạ K’Nàng với sản phẩm là chuối xuất khẩu, mỗi năm cho thu nhập trên 84 tỷ đồng; hộ ông Nguyễn Nghĩa Dũng ở thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ Rsal; hộ bà Cơ Liêng K’Sràng ở thôn 3, xã Liêng Srônh…

Về công tác thanh niên: Trong những năm qua, cùng với việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện, các cấp ủy luôn coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện, bồi dưỡng giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên; tạo môi trường cho thanh niên học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ để cống hiến, trưởng thành; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chăm lo nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên. Đến nay, trên địa bàn huyện có 22 cơ sở đoàn trực thuộc, trong đó 8 cơ sở đoàn xã với 159 chi đoàn, 3.868 đoàn viên, 6.050 hội viên Hội Liên hiệp thanh niên.Vai trò của tổ chức Đoàn - Hội - Đội và phong trào thanh niên ngày càng được nâng lên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.

 Về công tác Phụ nữ: Hội phụ nữ các cấp không ngừng kiện toàn và lớn mạnh; công tác phụ nữ, bình đẳng giới được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, các chương trình, chính sách của Đảng liên quan đến phụ nữ được chú trọng, nhất là đối với phụ nữ người đồng bào dân tộc. Đến nay, tổng số hội viên là 7.624 hội viên/11.026 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trong đó có 1.326 hội viên nghèo. Phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT tạo điều kiện cho hội viên vay vốn với số tiền là 226.703 triệu đồng/3.279 hộ vay. Hàng năm phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện mở lớp tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở có 2.560 lượt cán bộ Hội tham gia.

Về công tác Hội Cựu chiến binh: Là thế hệ người có tinh thần truyền thống cách mạng, kinh nghiệm trong cuộc sống, uy tín trong cộng đồng dân cư. Hội Cựu Chiến binh các cấp luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, giúp nhau nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hội viên Cựu chiến binh nghèo ngày càng giảm; luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, trong giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp. Đến nay, có 08 tổ chức cơ sở hội trực thuộc với 916 hội viên, với 53 chi hội thôn; các cấp hội chủ động tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền các cấp.

 Về công tác Người Cao tuổi: Hoạt động của các cấp Hội Người Cao tuổi trên địa bàn huyện tuy còn nhiều khó khăn, song các cấp Hội đã phát huy tinh thần, kinh nghiệm của Người cao tuổi gương mẫu trong cuộc sống, dạy bảo con cháu với phương châm “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; tích cực trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch công tác, linh hoạt xây dựng kinh phí hoạt động ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Hàng năm, các cấp Hội tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi theo quy định của Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam; tổ chức hội các cấp không ngừng củng cố, kiện toàn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 cơ sở hội, 53 chi hội thôn và 2.236 hội viên.

Những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước gắn với chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo. Huyện luôn tạo điều kiện để các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định theo hướng tuân thủ pháp luật; nhu cầu của các tôn giáo trên địa bàn được giải quyết kịp thời; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được bảo đảm, sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo diễn ra bình thường. Đa số tín đồ, chức sắc, chức việc tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; hoạt động đúng hướng, gắn bó với dân tộc. Đời sống của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng cao; mối quan hệ giữa các tôn giáo với cấp ủy, chính quyền địa phương được cải thiện và phát triển tốt. Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới, sống “tốt đời, đẹp đạo” do Mặt trận Tổ quốc phát động được chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng … Qua đó, tạo sự gắn bó hòa hợp, cùng chung sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hằng năm, MTTQ hướng dẫn khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc” ở các khu dân cư thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Chủ trì phát động và sử dụng hiệu quả nguồn vận động quỹ “Vì người nghèo”, Chú trọng triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương (Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo cũ giai đoạn 2016 - 2020 còn 6,9% (giảm 7,92% so với năm 2013 - tỷ lệ 14,82%,); theo tiêu chỉ nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021 - 2026 đạt 19,3%); chú trọng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; triển khai xây dựng Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu (Đến nay, trên toàn huyện có 36/53 khu dân cư tiêu biểu, trong đó có 15 khu dân cư kiểu mẫu), hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế cho các hộ dân….

Cấp ủy luôn quan tâm chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, đây là hạt nhân chính trị ở cơ sở; các cấp ủy Đảng, cơ sở luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, chú trọng quan tâm đến việc phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở. Tính đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 1.773 đảng viên, trong đó đảng viên nữ có 662 đồng chí, đảng viên người dân tộc thiểu số có 603 đồng chí và 37 TCCS đảng trực thuộc . 

* Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23 - NQ/TW thời gian tới cần:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai các nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX; Kết luận số 57-KL/TW,  ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị (khóa X về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

2. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn nội dung chính trị với các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân, làm cho công tác tuyên truyền có sức thuyết phục cao, lan tỏa rộng, động viên được mọi người, mọi lứa tuổi, mọi thành phần ra sức thi đua, lấy đại đoàn kết toàn dân làm động lực để phát triển toàn diện.

3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng" gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, xây dựng các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh.

4. Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để các dân tộc phát triển toàn diện theo phương châm “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

5. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Mặt trận Tổ quốc tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức thành viên tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch đang lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế của các cấp ủy đảng, chính quyền và vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Củng cố liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng cho đại đoàn kết dân tộc.

6. Phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của người dân; quan tâm ngày một tốt hơn đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo; phát huy mọi nguồn lực của nhân dân, chú trọng phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo.  

7. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức gần dân, có trách nhiệm với dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong bộ máy công quyền trên cơ sở làm rõ trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm đối với những hành vi coi thường và làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân,  củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

8. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên.

9. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch.

Lan Trương

Lượt xem: 161
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002420654
  •  Đang online: 86
  •  Trong tuần: 27.824
  •  Trong tháng: 96.928
  •  Trong năm: 1.058.939