.
Kết quả thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn huyện Đam Rông In trang
04/04/2023 07:48 SA

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và chỉ đạo “kết hợp thuốc Đông y với Tây y”. Người dặn dò: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chưa đầy một năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 22/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Bội Nội vụ ban hành Nghị định số 337/NV/PC/NĐ thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội, tiền thân của Hội Đông y ngày nay.

Hình ảnh bệnh nhân đang điều trị bệnh
Hình ảnh bệnh nhân đang điều trị bệnh

Ngày 4/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TW về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, tuy việc khám chữa bệnh bằng Đông y được mở rộng, số lượng cán bộ tăng, trình độ chuyên môn nâng cao, thuốc Đông y đa dạng về chủng loại, hoạt động xã hội hóa và công tác quản lý hành nghề Đông y có những tiến bộ đáng kể, nhưng sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, chưa ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ đó đặt ra yêu cầu: “Phát triển nền Đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội”.

Huyện Đam Rông, có 01 Trung Tâm Y tế có trách nhiệm thực hiện hai chức năng là dự phòng và điều trị, quy mô 60 giường bệnh, có đủ các phòng chức năng, các khoa chuyên môn theo quy định, với 99 cán bộ, nhân viên trong đó trình độ đại học có 43 người; trình độ cao đẳng có 21 người; trình độ trung cấp có 35 người. Có 02 phòng khám Đa khoa khu vực: trình độ đại học có 6 người; trình độ cao đẳng có 5 người và 01 dược sĩ trung cấp. Tại cấp xã: toàn huyện có 08 trạm y tế trong đó có 8/8 xã đạt và duy trì đạt tiêu chuẩn trí quốc gia về y tế, với 50 viên chức và người lao động thực hiện chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã. 53/53 thôn có nhân viên y tế, cộng tác cộng tác viên dân số. Hệ thống y tế tư nhân gồm có 7 cơ sở khám bệnh và 28 hiệu thuốc tư nhân

Sau khi có Chỉ thị số 24-CT/TW, huyện Đam Rông đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Qua học tập Chỉ thị, nhận thức của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; vai trò của nền Đông y ngày càng đóng góp quan trọng trong hệ thống y tế trên địa bàn huyện. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y thường xuyên được quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hành nghề Đông y tư nhân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thực hiện trồng và lưu giữ các loại cây thuốc quý, phát huy các bài thuốc gia truyền, lành mạnh hóa công tác khám, chữa bệnh bằng Đông y. Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học dược cổ truyền ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng và hoạt động có hiệu quả. 

.
.

Những năm qua đặc biệt là sau khi có chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và ngành Y tế đã tập trung cao trong công tác củng cố hệ thống hội Đông Y. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức hội Đông y luôn được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền. Được thành lập từ năm 2009 tại Quyết định số 11/2009/QĐ-ĐY ngày 9/10/2009 của tỉnh Hội Đông Y Lâm Đồng, gồm 01 chi hội trưởng, 01chi hội phó, các thành viên chủ yếu là các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn về y học cổ truyền công tác tại Trung tâm và các đơn vị y tế trực thuộc. Hội luôn có các chủ trương khuyến khích lương y các cơ sở bốc thuốc nam tham gia hội. Đến nay hệ thống tổ chức về đông y từ huyện đến xã từng bước được kiện toàn, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế tăng về số lượng và chất lượng góp phần đẩy mạnh vào công tác chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Toàn huyện có 08 nhân viên y tế chuyên về y học cổ truyền gồm:02 bác sĩ y học cổ truyền, 6 y sĩ y học cổ truyền, tại Trung tâm Y tế huyện có 01 bác sĩ y học cổ truyền và 03 y sĩ y học cổ truyền, 4/8 Trạm y tế có bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền, các Trạm y tế khác cán bộ phụ trách y học cổ truyền là kiêm nhiệm và đã được tập huấn ngắn hạn về y học cổ truyền.

Xác định công tác khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để bảo tồn giá trị của nền Đông y và Đông y Việt Nam. Thực hiện tốt 9 điều Y huấn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và 12 điều quy định về y đức của Bộ trưởng Bộ Y tế. Công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền trên địa bàn được đẩy mạnh, hiện nay trên địa bàn huyện có 08 Trạm y tế đang hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền cho hàng ngàn lượt bệnh nhân/năm. Các mục tiêu về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân không ngừng được đẩy mạnh, công tác truyền thông giáo dục, sức khỏe được tăng cường, các chỉ số dịch vụ năm sau đều cao hơn so với năm trước, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã được chú trọng quan tâm, chất lượng khám và điều trị bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở y tế ngày càng được nâng cao. Đặc biệt sau khi Thông tư số 50/2010/TT-BYT, ngày 31 tháng 12 năm 2010 về hướng dẫn việc kết hợp Y học Cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền tăng qua các năm (năm 2013 đạt 18,28%, 2015 đạt 21,83%, 2018 đặt 23,56%, năm 2022 đạt 28,32% số bệnh nhân sẽ đến khám chữa bệnh tại trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện cơ sở khám chữa bệnh đông y trên địa bàn huyện).

Bênh cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Chỉ thị cũng gặp những khó khăn, hạn chế đó là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm xong chưa thực sự coi trọng về phát triển nền đông y nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị còn chưa được thường xuyên, liên tục nhất là ở tuyến cơ sở. Chi hội Đông Y huyện được thành lập tuy nhiên hoạt động không thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa đáp ứng được nhu cầu, đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu về đông y còn mỏng yếu về tay nghề, một số trạm y tế có cán bộ kiêm về đông y nhưng hoạt động hiệu quả chưa cao. Một số trạm y tế chưa đủ số lượng cây thuốc Nam theo quy định của Bộ Y tế, cây thuốc chưa được trồng theo nhóm và không được chăm sóc thường xuyên. Dự án phát triển vùng nguyên liệu chính mới được triển khai chưa khai thác, chế biến còn hạn chế.

 Hiện nay, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu khám, chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y tăng cao. Đặt ra yều cầu cần các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Các cấp ủy Đảng và Chính quyền cần có tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền về vai trò vị trí tầm quan trọng của Hội đông Y,  trực tiếp chỉ đạo các cấp hội kiện toàn tổ chức, chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động hội phát triển hội viên nhất là ở cấp cơ sở. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội Đông Y hoạt động và phát triển. Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bằng đông y tại các đơn vị y tế cơ sở và quản lý nhà nước về các hoạt động của các cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền trên địa bàn huyện. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Đam Rông định hướng đến năm 2030; bảo tồn nguồn dược liệu vốn có của địa phương, xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ công tác khám chữa bệnh. Kết hợp chặt chẽ giữa việc khuyến khích “trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” với việc hình thành các vùng chuyên nuôi trồng, chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp.Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức cá nhân trên địa bàn thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu, củng cố tập hợp các lương y, lương dược trên địa bàn thành lập Hội Đông Y đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách về y học cổ truyền tại Trung tâm y tế và các trạm y tế, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, xây dựng củng cố nguồn thuốc nam với đầy đủ các loại cây theo danh mục quy định của Bộ Y tế.

Lan Trương

Lượt xem: 162
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002420136
  •  Đang online: 119
  •  Trong tuần: 27.306
  •  Trong tháng: 96.410
  •  Trong năm: 1.058.421