Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà đoàn thể và Chính phủ đã giao cho”.
Mô hình Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của Hội Chữ Thập đỏ xã Rô Men
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, tích cực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Để triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo hiệu quả, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy phân công từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ phụ trách trực tiếp xuống địa phương, hướng dẫn các Đảng ủy cơ sở, đơn vị lựa chọn, xây dựng mô hình dân vận khéo phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình, từ đó có cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, toàn huyện đã xây dựng và duy trì được 88 mô hình “Dân vận khéo” đang hoạt động hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong các mô hình dân vận khéo được xây dựng trong năm 2022 có 36 mô hình mới và duy trì 52 mô hình từ các năm trước. Trong đó, có 25 mô hình lĩnh vực kinh tế, 60 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội, 03 mô hình lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Từ phong trào, xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình “Dân vận khéo” đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, giải quyết công ăn việc làm góp phần thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tiêu biểu như: Lĩnh vực phát triển kinh tế: Mô hình Tổ hợp tác Trồng dứa của Hội Nông dân xã Rô Men; Mô hình Tổ phụ nữ gây quỹ hỗ trợ nhau trồng dâu nuôi tằm của Chi hội Phụ nữ thôn Pang Pế Dơng, xã Đạ Rsal; Mô hình Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm chi Hội Nông dân thôn Liêng Krắc II xã Đạ M’Rông; Mô hình trồng rau công nghệ cao của ông Phí Văn Nghị thôn Thanh Bình xã Phi Liêng; mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê và xuất bán cây giống cây mắc ca của hộ gia đình ông Triệu Đức Dương thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng… Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu, Khu dân cư tiêu biểu của Mặt trận Tổ quốc; Mô hình nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em tại thôn Liêng Krắc II, xã Đạ M’rông; Mô hình Dệt thổ cẩm xã Đạ Long; mô hình thắp sáng đường quê tại các xã; Mô hình Câu Lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Rô Men; Mô hình “Quỹ vì học sinh nghèo” của Trường Tiểu học Đạ K’nàng... Lĩnh vực quốc phòng - an ninh: tổ An ninh tự quản ở thôn Đắc Măng xã Đạ Rsal; Lực Lượng dân quân nắm hộ dân xã Rô Men… Từ đó, Ban Dân vận Huyện ủy đã đề xuất 01 mô hình điển hình tập thể trong phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới để giới thiệu UBND tỉnh khen thưởng; đề xuất UBND huyện khen thưởng 05 mô hình tập thể, 02 điển hình cá nhân; giới thiệu Ban Dân vận Tỉnh ủy 06 mô hình tập thể tiêu biểu để đài PTTH tỉnh Lâm Đồng làm phóng sự chuyên mục “Dân vận khéo” năm 2023.
Mô hình Tổ phụ nữ gây quỹ hỗ trợ nhau trồng dâu nuôi tằm tại thôn Pang Pế Dơng, xã Đạ R'sal
Từ những kết quả trên chúng ta thấy rằng phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhận thức và trách nhiệm của các ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ huyện đến cơ sở về công tác dân vận được nâng lên, tinh thần, trách nhiệm, năng lực tham mưu được chuyển biến tích cực. Các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện thực sự đã đi vào đời sống xã hội; đây là chủ trương đúng đắn nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận, đồng thời phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, tiếp tục xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ban Dân vận Huyện ủy