.
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID – 19 In trang
26/08/2021 04:38 CH

Hôm nay, ngày 25/8/2021 đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã ký Công văn số 239-CV/HU về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19. Công văn gửi Ủy ban nhân dân huyện, các Ban và Văn phòng Huyện ủy, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện và các  tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy; công văn nêu rõ:

Thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân trong huyện đã nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, còn có thể kéo dài gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đời sống, sức khỏe Nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Thực hiện Công văn số 761-CV/TU, ngày 25/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19; để đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong tình hình cấp bách hiện nay, nhằm kiềm chế dịch bệnh, không để lây lan rộng trên địa bàn huyện; Thường trực Huyện ủy yêu cầu:

1. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của Nhân dân; kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa lãnh đạo, chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, lấy thôn, xã là ‘‘pháo đài’’ người dân là ‘‘chiến sĩ’’ là trung tâm phục vụ, chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

- Công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm, công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ; vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.

- Tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

2. Đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã

-  Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, dứt khoát, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, thôn, khu dân cư cùng với lực lượng khác và Tổ Covid-19 cộng đồng “Bảo vệ vùng xanh” - vùng không có dịch, hướng tới xây dựng những vùng xanh bền vững nhằm sớm đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy nếu thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt, lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác phòng, chống dịch Covid-19, không nhắc nhở, kiểm tra, giám sát thường xuyên để tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng, diễn biến phức tạp tại địa phương.

3. Giao Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo

- Thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đứng đầu, để tập trung điều hành thống nhất, quy định rõ chức năng, phân công nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, mạch lạc, ban hành quy chế hoạt động, ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch trên địa bàn; ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch; tuy nhiên, tùy tình hình cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.

- Bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

- Đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm ‘‘bốn tại chỗ’’ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi ngân sách, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám, chữa bệnh.

- Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi; các phòng, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, phục vụ phòng, chống dịch, đời sống Nhân dân; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc ‘‘an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

- Các phòng, ban, ngành, địa phương lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả, kịp thời; đánh giá sơ kết, tổng kết các mô hình: ‘‘ba tại chỗ’’, ‘‘một cung đường, hai điểm đến’’, ‘‘doanh nghiệp xanh’’,… để đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình; thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp.

4. Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân; kịp thời hướng dẫn, cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng, tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch; phát huy vai trò quan trọng của hệ thống truyền thông, nhất là hệ thống truyền thanh không dây cơ sở; lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của tổ chức và cá nhân. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc, xấu độc.

5. Tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch; nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và việc giãn cách xã hội.

6. Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên nắm tình hình triển khai thực hiện và báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy kết quả thực hiện Công văn này.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

Lượt xem: 202
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002414936
  •  Đang online: 224
  •  Trong tuần: 22.106
  •  Trong tháng: 91.210
  •  Trong năm: 1.053.221