Đam Rông - huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn với trên 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của địa phương. Bởi vậy, thúc đẩy phát triển kinh tế trong phụ nữ nông thôn, phụ nữ DTTS là nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông tập trung thực hiện suốt thời gian qua.
Thúc đẩy phát triển kinh tế trong phụ nữ nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội LHPN huyện Đam Rông tập trung thực hiện nhiều năm qua
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông, cho biết: Toàn huyện có 7.104 hội viên/10.745 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (66,11%). Trong đó, 4.635 hội viên DTTS 4.775 hội viên tôn giáo, hơn 70% hội viên phụ nữ làm nông nghiệp là chính. Đặc biệt, với địa bàn có đông đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên như Đam Rông, với chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội vô cùng quan trọng. Bởi vậy Hội LHPN huyện tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế trong phụ nữ để góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ chung của địa phương”.
Hội LHPN huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện và các đoàn thể mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và Nhân dân tại các xã. Trong những năm qua đã có 99 lớp được mở, thu hút 4.300 lượt học viên tham gia. Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 26 lớp đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ tại các xã, có 540 học viên tham gia. Trong đó đa phần là phụ nữ DTTS tham gia học các nghề như: dệt thổ cẩm, nuôi heo đen, trồng dâu nuôi tằm, móc len... Hội Phụ nữ các xã cũng đã xây dựng các mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết trong sản xuất. Hiện đã có 4 tổ hợp tác của phụ nữ được thành lập với 54 thành viên gồm: Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm và tổ hợp tác nuôi heo đen ở xã Đạ M’Rông; Tổ hợp tác cây ăn trái ở xã Đạ Rsal; Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở xã Đạ K’Nàng.
Chị Vũ Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Rô Men, chia sẻ: “Ngoài tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi... thì việc thực hiện phong trào thi đua “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... cũng đã thúc đẩy rất lớn việc phát triển kinh tế trong chị em. Nhờ vậy 5 năm qua đã có 72 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ, trong đó 51 hộ đã thoát nghèo”.
Chị Ma Rương (trú tại xã Đạ M’Rông) được biết đến như người phụ nữ trồng dâu nuôi tằm giỏi ở khu vực Đầm Ròn. “Kịp thời chuyển đổi từ diện tích trồng bắp, lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm ở khu vực Đầm Ròn theo định hướng của huyện Đam Rông, sự nỗ lực học tập và lao động của bản thân cùng sự hỗ trợ của Hội LHPN xã nói chung và các chị em hội viên nói riêng trong lao động sản xuất chính là những yếu tố quan trọng giúp tôi thành công trong việc trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao”, chị Ma Rương bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên nói thêm, bên cạnh hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh tế, việc vận động phụ nữ giúp nhau giảm nghèo cũng được các cấp hội đặc biệt chú trọng. Theo đó, hàng năm, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN các xã rà soát hội viên phụ nữ nghèo và có kế hoạch giúp đỡ ít nhất từ 2 phụ nữ thoát nghèo bền vững trong năm. Trong phong trào giúp nhau được các cơ sở Hội thực hiện có hiệu quả thông qua việc giúp vốn, con giống, cây giống, ngày công... Bên cạnh đó, Hội LHPN các xã còn duy trì mô hình tiết kiệm tại chi hội, đến nay số tiền tiết kiệm từ các mô hình trên 600 triệu đồng đã giúp cho 320 chị vay phát triển kinh tế gia đình. Để giúp đỡ cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong toàn huyện phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, tạo dựng cuộc sống ổn định, Hội tiếp tục thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đến nay, số vốn do Hội quản lý là trên 117 tỷ đồng/2.791 hộ vay/57 tổ tiết kiệm vay vốn. Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông triển khai thực hiện 8/8 xã với số tiền trên 80 tỷ đồng/578 hộ vay/18 tổ vay.
Từ những hoạt động trên trong nhiệm kỳ, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương giúp cho trên 1 ngàn hộ thoát nghèo trong 5 năm qua.
Đó là những thành tích đáng ghi nhận của phụ nữ, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương. Tuy nhiên, Đam Rông hiện nay vẫn là huyện khó khăn, đời sống bà con còn nghèo. Nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em chưa được cải thiện, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết... vẫn còn xảy ra và hậu quả đè nặng lên vai người phụ nữ. Bởi vậy, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao trình độ nhận thức trong chị em phụ nữ vẫn là giải pháp căn cơ mà Hội LHPN huyện Đam Rông tập trung thực hiện trong thời gian tới.
NGỌC NGÀ - http://baolamdong.vn/