Xác định 2019 là năm “nước rút” trong thực hiện các nhiệm vụ, tiến tới hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, nên ngay từ đầu năm Huyện ủy, UBND huyện Đam Rông đã xác định những nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là những vấn đề đặt ra trong nông nghiệp – ngành kinh tế “mũi nhọn” thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Ông Trần Minh Thức – Bí thư Huyện ủy Đam Rông
PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Minh Thức – Bí thư Huyện ủy Đam Rông về nội dung này.
PV: Nhìn lại bức tranh kinh tế xã hội của Đam Rông năm 2018 có những nét gì nổi bật, thưa ông?
Ông Trần Minh Thức: 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020. Bởi thế, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến đáng mừng. Một vài con số cụ thể minh chứng sống động cho điều này như:
Về sản xuất kinh tế, tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt trên 2 ngàn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 950 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 20 ngàn tấn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,55%. Tổng thu ngân sách đạt 40,5 tỷ đồng… Những kết quả khả quan trên sẽ góp phần quan trọng trong việc “tiếp đà” cho sự phát triển của huyện trong năm 2019.
Đam Rông là huyện có trên 70% dân số của huyện là đồng bào DTTS, trình độ dân trí chưa cao, tài nguyên thiên nhiên chưa đủ sức thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Nên sẽ rất khó để Đam Rông chọn hướng phát triển từ công nghiệp xây dựng hay dịch vụ, du lịch. Bởi thế ngành sản xuất “mũi nhọn” đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của Đam Rông vẫn đang là nông nghiệp. Và trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp vẫn luôn được tập trung, chú trọng hàng đầu.
PV: Vậy theo ông, đến thời điểm hiện tại, bức tranh nông nghiệp trên địa bàn đã có chuyển biến như thế nào?
Ông Trần Minh Thức:
Về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 19 nghìn ha bằng 101,7% kế hoạch, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, cây hàng năm trên 5 nghìn ha. Cây lâu năm gần 14 nghìn ha. Riêng diện tích cà phê trên 11 nghìn ha. Năm 2018 đã có 700 ha cà phê được ghép cải tạo và trồng mới. Sản lượng cà phê của huyện hiện đạt trên 28 nghìn tấn, bằng 101% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã dần được đẩy mạnh. Theo đó đã có 135 ha cây ăn quả và 85 ha dâu tằm cũng được trồng mới. Ngoài ra còn một số diện tích rau, cây dược liệu cũng dần được bà con hình thành. Về chăn nuôi, hiện tổng đàn gia súc là trên 24 nghìn con. Tổng đàn gia cầm 86,2 nghìn con. Sản lượng kén tằm đạt gần 500 tấn, bằng 132,7% KH.
Điều đáng nói là trên địa bàn tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành: mô hình trồng chuối Laba, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đạ K’nàng; mô hình trồng cây ăn trái tại xã Liêng S’rônh, Đạ R’sal; mô hình trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông. Các mô hình trên có sự góp mặt của bà con DTTS đó là điều thực sự đáng mừng của địa phương.
PV: Có những vấn đề gì đang đặt ra trước mắt cho nông nghiệp Đam Rông, thưa ông?
Ông Trần Minh Thức:
Nông nghiệp Đam Rông sẽ được coi là phát triển nếu đặt trong sự so sánh giữa hiện tại và những năm trước đây. Tuy nhiên nếu đặt trong sự so sánh với các huyện, thành khác trong tỉnh hay xu thế phát triển chung của xã hội thì sự phát triển của Đam Rông thực sự không đáng kể.
Điều đó do những yếu tố khách quan như xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của huyện thấp, trình độ dân trí chưa cao, tiềm lực kinh tế của người dân chưa thực sự lớn, cùng với đó là tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào, dân tộc thiểu số tại chỗ quay về làng cũ … là những áp lực đè nặng lên sự phát triển của địa phương.
Và hơn hết, bản thân ngành sản xuất nông nghiệp của Đam Rông vẫn còn manh mún, sản phẩm chủ yếu chưa qua chế biến nên giá trị thấp; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi chậm, các mô hình hiệu quả chậm được nhân rộng, thiếu sức lan tỏa trong nhân dân; kinh tế tập thể, tổ hợp tác chưa thực sự phát triển, công tác lãnh chỉ đạo của các địa phương vẫn chưa thực sự sâu sát. Và đặc biệt nhân dân chưa thực sự phát huy hết nội lực của mình...Những thực tế đó đặt ra cho Đam Rông rất nhiều thách thức trong hành trình phát triển.
PV: Để nông nghiệp thực sự là rường cột, là mũi nhọn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, huyện Đam Rông đã có những định hướng gì nhất là trong năm 2019?
Ông Trần Minh Thức:
2019, là năm “nước rút” trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch 5 năm của huyện. Bởi vậy lãnh đạo huyện đã đề ra các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực cũng như đề ra những giải pháp trọng tâm để thực hiện. Riêng về nông nghiệp, Đam Rông phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất đạt trên 2,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó: nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản chiếm gần một nửa.
Để phát triển nông nghiệp, Đam Rông bám sát phương châm “cho cần câu hơn xâu cá” nên thống nhất chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển đàn bò thịt, Chương trình tái canh cà phê; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình hiệu quả; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, đặc biệt là khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao trên địa bàn huyện như: Chuối laba, rau, hoa...; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, tổ hợp tác thành lập và phát triển. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đạt các tiêu chí nông thôn mới đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Ngà