Chiều 5/3, UBND huyện Đam Rông tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo huyện với các trưởng thôn, người có uy tín để nghe hiến kế xây dựng, nâng cấp Khu bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên huyện Đam Rông giai đoạn 2025 – 2030 tại xã Đạ Tông
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Trương Hữu Đồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì.
Dự hội nghị có, đồng chí Đa Cắt K’ Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; các đồng chí trong BTV Huyện ủy; đại diện các cơ quan, phòng ban, đơn vị thuộc huyện; lãnh đạo UBND 8 xã cùng các già làng, trưởng thôn, nghệ nhân, người có uy tín và các gia đình tiêu biểu tại xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’Rông.

Đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy phát biểu
Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian nghe các trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân, già làng, lãnh đạo các xã đánh giá thực trạng về văn hóa và công tác bảo tồn văn hóa hiện nay trên địa bàn; làm rõ các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên hiện nay cần bảo tồn và phát huy; hiệu quả các chính sách của Trung ương, của địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện, đặc biệt là hiến kế xây dựng Đề án phát triển Khu bảo tồn văn hóa xã Đạ Tông thực sự trở thành khu bảo tồn và hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên giai đoạn 2025 - 2030.

Đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện tuyên dương nhiều cán bộ, người dân đã hiến tặng hiện vật trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa
Dịp này, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có uy tín và nhân dân các xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’Rông hiến tặng nhiều hiện vật để trưng bày tại khu bảo tồn văn hóa xã Đạ Tông, như: Ché, nia, gùi, tô xưa, giỏ xúc cá, đựng cá, xà gạc, quốc nhỏ, cây chọc lỗ tra hạt, sợi cườm và một số nhạc cụ xưa.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy đề nghị, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các xã cũng như trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân, già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tốt đẹp. Sau Hội nghị này, huyện cần tổ chức rộng khắp trên địa bàn các xã, tuyên truyền, vận động các gia đình hiến tặng các hiện vật chiêng, chóe… cũng như các dụng cụ lao động phục vụ sinh hoạt văn hoá; chính quyền địa phương cần bố trí ngân sách để mua, sưu tầm các hiện vật trưng bày trong khu bảo tồn văn hóa… Trong thời gian tới, huyện sẽ đưa Khu bảo tồn văn hóa đi vào hoạt động vào ngày thứ 7, để người dân vùng Đầm Ròn tập trung về đây đan lát, dệt thổ cẩm… phục vụ cho du khách đến tham quan, tìm hiểu, kết hợp với việc tham quan trải nghiệm đồng lúa Mê Ka.Với tiềm năng lợi thế về du lịch, huyện sẽ xây dựng làng Mê Ka trở thành làng du lịch cộng đồng, du lịch canh nông của địa phương…

Ông Đa Cát Tư - người có uy tín xã Đạ Tông đề xuất, hiến kế công tác bảo tồn văn hóa tại Hội nghị
Dịp này, huyện Đam Rông đã tổ chức Hội thi ẩm thực dân gian các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số các xã thuộc Cụm thi đua số 1. Tham gia Hội thi có 5 đội. Trong thời gian 90 phút, các đội chế biến 1 mâm cỗ cho 10 người ăn với các món ăn truyền thống mang bản sắc đặc trưng của đồng bào dân tộc tại địa phương và cử 1 thành viên trong đội thuyết trình về món ăn của mình trong thời gian 5 phút. Qua quá trình chấm điểm, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho xã Rô Men, giải nhì cho đội Đạ Tông 1; giải ba cho xã Đạ Long và giải khuyến khích cho đội Đạ Tông 2 và xã Đạ M’Rông.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy