(LĐ online) - Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ đẹp nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng. Người không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp. Vậy mà, chưa bao giờ các thế lực thù địch, phản động từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá sự nghiệp cách mạng của toàn thể Nhân dân Việt Nam. Trong đó, nói xấu, bôi nhọ và phỉ báng đạo đức, nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung mà họ thường tập trung chống phá.
Gần đây, các thế lực thù địch đã dựng những câu chuyện hoang đường về thân thế, đời tư của Người cùng với việc vẽ lên “chân dung” người cộng sản không có tình cảm, tình nghĩa cha con, vợ chồng, anh em... Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch đã lên tiếng vu cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh khi du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam bởi đó là một “sai lầm lịch sử”. Lập luận của họ đưa ra là chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời ở các nước phương Tây hoặc các nước có điều kiện kinh tế-xã hội, truyền thống lịch sử văn hóa khác Việt Nam. Do đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam chỉ là một sự “khiên cưỡng”. Hơn nữa, chủ nghĩa Mác-Lênin đã ra đời từ lâu nên Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi sau này là Đảng Cộng sản vẫn coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng là không còn phù hợp nữa, “vừa phi lịch sử, vừa phi lôgíc”. Mục đích của các thế lực thù địch khi công kích xuyên tạc, bóp méo về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm bôi nhọ hình ảnh của Người trong đời sống tinh thần, tư tưởng của Nhân dân Việt Nam.
Phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã trắng trợn xuyên tạc rằng: “Hồ Chí Minh khi du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm”. Họ còn rêu rao rằng, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa là biểu hiện của một tư duy “thiển cận” vì đã khiến “mọi người đều bình đẳng trong cảnh nghèo hèn”. Họ cố tình đổ lỗi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra cảnh chết chóc đau thương cho dân tộc, khiến Việt Nam “mãi mãi trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo hèn, lạc hậu”.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một kẻ ký tên C.B, chỉ cần đọc qua cái đề tựa “Boác hồ” là ai? đã thấy được sự hậm hực, chống phá của kẻ này. Quả thật, xuyên suốt bài viết là đầy rẫy những ngôn từ thô thiển, tục tĩu mà những kẻ chống Cộng cực đoan thường viết và xin không nhắc ra để làm bẩn tai người đọc. Những ai đã trót đọc bài viết của đối tượng C.B này thì sẽ hiểu ngay tại sao những kẻ “ôm mộng cờ vàng”, chống Cộng cực đoan luôn thất bại trong bẽ bàng.
Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thay đổi vận mệnh của cả dân tộc ta từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một đất nước độc lập, tự do. Với thế giới, Người đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Ngay từ khi mới 21 tuổi, do nhận thấy những bế tắc về đường lối và phương pháp cách mạng của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã rời bỏ quê hương, Tổ quốc để ra đi tìm đường cứu nước. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn-con đường cách mạng vô sản. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam tự nó đã nói lên tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin với cách mạng nước ta.
Ở Việt Nam, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ thực sự được tỏa sáng khi Hồ Chí Minh đã vận dụng để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên những thắng lợi vẻ vang ở thế kỷ XX, không chỉ bạn bè quốc tế ghi nhận mà ngay cả kẻ thù cũng phải thừa nhận. Do đó, chỉ những kẻ cố tình “nhắm mắt làm ngơ”, “có mắt như mù” mới phủ nhận công lao to lớn của Người với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, không ai có quyền phỉ báng vào hiện thực lịch sử, quy cho Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là có tội với lịch sử dân tộc bởi chính Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên tiếp nhận và phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Điều quan trọng hơn cả là khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã không bê nguyên xi lý luận của các bậc tiền bối mà đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người đã biến hệ thống lý luận với những nguyên lý, quy luật, phạm trù mang tính phổ quát của chủ nghĩa Mác-Lênin thành những triết lý đơn giản, dễ hiểu để tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân, hướng dẫn Nhân dân làm theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song dấu ấn Người để lại thật đặc biệt. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị với Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919 cho đến khi từ biệt thế giới này năm 1969 và hơn 50 năm sau khi Người đi xa, những nghiên cứu, đánh giá trong các bài viết, bài phát biểu về Người dường như vẫn cứ nối dài mãi. Bao nhiêu năm qua, từ tận đáy lòng, từ trái tim đồng cảm, từ sự nghiên cứu khoa học và khách quan, sâu sắc, thế giới viết về Người, Việt Nam viết về Người vẫn là những ghi nhận sự cống hiến, tấm gương đạo đức cách mạng...với những lời hay nhất, đẹp nhất, xúc động nhất.
Do đó, mọi điều xuyên tạc về công lao, đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những luận điệu chống phá nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta, xúc phạm tình cảm thiêng liêng của Nhân dân ta với Người. Những kẻ vì những động cơ thâm độc, xấu xa, bỉ ổi mà xúc phạm, bôi nhọ Người như C.B và các đối tượng cơ hội chính trị chỉ là những kẻ húc đầu vào đá và nhận được sự căm phẫn, khinh bỉ của tất cả những người dân Việt Nam chân chính yêu nước và những người có lương tri trên thế giới.
https://baolamdong.vn