.
Những trái tim tâm huyết giữ rừng In trang
04/03/2020 09:48 SA

Ðưng K’Nớ là địa bàn có độ che phủ rừng cao nhất ở huyện Lạc Dương. Rừng Ðưng K’Nớ xanh bởi ở đó có những trái tim tâm huyết giữ rừng.

Không đi rừng buồn lắm

Ông Rơ Ông Kai (48 tuổi), sống tại Thôn 2, xã Đưng K’Nớ là Tổ trưởng Tổ Nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR) số 6 thuộc Trạm QLBVR Đưng K’Nớ. Tổ gồm 26 hộ, mỗi hộ nhận quản lý 28 ha. Ông Kai là người gắn bó với rừng và tất cả các dự án về rừng lâu nhất ở đất này.

Bà con trong Tổ 6 bảo rằng, bao năm nay, theo lịch tuần tra rừng đã phân công ông Kai chỉ đi thừa chứ không thiếu. Bởi với người đàn ông này “Đi rừng miết từ nhỏ nên giờ đã thuộc hết đường rừng. Đi rừng mới vui, không đi rừng thì buồn lắm”. Bởi sự thấu hiểu và trách nhiệm với rừng nên Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Đưng K’Nớ và chính bà con nhân dân đã cử ông làm tổ trưởng từ năm 2013. Trong rất nhiều nhiệm vụ của người tổ trưởng, ông luôn cương quyết trước những vụ xâm lấn rừng. Bà con Tổ 6 còn nhắc lại lần đi giải tỏa việc lấn rừng trồng cà phê ở Tiểu khu 40, bằng ngôn ngữ của người đồng bào, người ta nói ông “Đâu phải rừng của mày, rừng của tổ tiên tao để lại” (Tập tục trở về làng cũ, nương rẫy cũ của một số bà con). Ông đã kiên nhẫn giải thích để bà con hiểu: Rằng mình đã nhận khoán, nhận tiền Nhà nước chi trả phải có trách nhiệm giữ rừng. Nếu ai vi phạm không những sẽ bị trừ tiền nhận khoán của cá nhân, mà bà con trong tổ cũng bị trừ vì không hoàn thành nhiệm vụ. Nên dù chỉ lấn vài mét nhưng trừ tiền nhận khoán của cả mấy chục ha, như vậy nhiều gia đình sẽ mất đi một nguồn thu ổn định”. Việc cương quyết giải tỏa sẽ phải chịu lời nặng nhẹ. Nhưng với ông Kai, “chỉ cần bà con hiểu để đừng lấn rừng là được”.

Và cứ thế niềm tin của bà con dành cho ông cũng dần tăng lên. Nhờ có sự uy tín ấy mà mùa khô năm 2015, khi con lửa bùng lên ở các tiểu khu 39 và 41. Ngoài việc nỗ lực ứng phó tại chỗ, báo lên Trạm QLBVR và UBND xã, ông Kai đã huy động hết tất cả bà con tham gia dập lửa, chữa cháy. Đàn bà, người già, trẻ em mang thùng lấy nước. Trai tráng nhìn hướng gió mà mang xà gạc chạy trước ngọn lửa phạt cây làm đường ray dần về phía suối để dẫn lửa và tránh lửa lan rộng. Trong những lần cấp bách như thế mới hiểu sự tín nhiệm của người dân với vị tổ trưởng này lớn đến mức nào. Cũng bởi thế mà vị tổ trưởng này đã nhiều lần nhận được bằng khen của ngành kiểm lâm tỉnh, của UBND huyện Lạc Dương vì đã có nhiều thành tích trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giữ được rừng thì con cháu sau này mới không lo đói

Còn với ông Cil Ha Sơn (52 tuổi) - Tổ trưởng Tổ QLBVR số 2 với 40 hộ Thôn 1 nhận khoán trên diện tích 1.120 ha. 6 năm trên cương vị Tổ trưởng, ông luôn là cái tên tiêu biểu trong quản lý, bảo vệ rừng. 

Trong diện tích rừng của Tổ số 2 có những tiểu khu giáp địa phận của huyện Đam Rông. Hoạt động của bà con tác động lên rừng khá phức tạp, nhất là việc trở về làng cũ. Bởi vậy, ngoài công tác tuần tra thường xuyên, các thành viên trong tổ còn giải thích, tuyên truyền và tham gia vận động để bà con ở khu vực giáp ranh của hai địa phương không trở về làng cũ. 

Với ông Cil Ha Sơn, đi rừng và tuần tra rừng chưa bao giờ là nhiệm vụ. Bởi “Phải vào rừng mới thấy khỏe người. Mà giữ được rừng thì con cháu sau này mới không lo đói”, Tổ trưởng Cil Ha Sơn nói.

Trên cương vị tổ trưởng, các tổ viên đều là bà con thân thiết nhưng ông Cil Ha Sơn vẫn giữ vững quan điểm “nếu vi phạm về rừng sẽ cắt ngay quyền nhận giao khoán”. Nói được làm được, vị tổ trưởng này đã từng đề xuất trạm kiểm lâm cắt quyền nhận khoán của hộ Rơ Ông Ka Thủy ở Tiểu khu 40 và mới đây nhất là hộ Long Đinh Ha Chung và Cil Múp Ha Bi vì chặt cây, lấn đất rừng. Khi bị xử lý bà con đến năn nỉ mãi nhưng ông bảo rằng “Sai thì phải chịu phạt thôi. Không phạt thì ai cũng phá vậy rừng đâu còn”.

Tổ quản lý bảo vệ ngoài định kỳ họp để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến bảo vệ rừng 1 tháng một lần, ông Cil Ha Sơn còn họp các nhóm nhỏ để việc tuyên truyền sâu sát hơn. Ông quan niệm phải vận động anh em, họ hàng mình gương mẫu làm trước. Có thế mới có cái lý mới nói được bà con, mới đủ sức thuyết phục. Hiện cả gia đình, họ hàng của ông đều tham gia nhận khoán.

 

Câu chuyện của chúng tôi với hai vị tổ trưởng còn có cả sự góp mặt của Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đưng K’Nớ - ông Hoàng Văn Tiềm. Qua vị trạm trưởng này chúng tôi biết rằng: Đưng K’Nớ được rừng bao bọc xung quanh. Tất cả bà con với hơn 321 hộ đều nhận giao khoán quản lý và bảo vệ trên 8.900 ha rừng. Diện tích giao khoán được chia thành 10 tiểu khu cho 10 tổ nhận khoán. Vị trạm trưởng khẳng định chắc nịch rằng: “Cả ông Rơ Ông Kai và Cil Ha Sơn so với các bậc cao niên trong buôn làng ít hơn về tuổi tác nhưng là bóng cả giữ rừng. Họ là người uy tín, không chỉ với trạm, với địa phương mà quan trọng nhất là với bà con nhân dân. Chính những vị tổ trưởng trách nhiệm ấy bao năm qua là cầu nối vững chắc giữa trạm, giữa lãnh đạo địa phương với buôn làng.

NGỌC NGÀ

http://baolamdong.vn/doi-song/202003/nhung-trai-tim-tam-huyet-giu-rung-2991239/

Lượt xem: 721
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001521958
  •  Đang online: 9
  •  Trong tuần: 9.995
  •  Trong tháng: 68.025
  •  Trong năm: 160.243